Ngành mía đường - Những “nút thắt” cần tháo gỡ (Kỳ III)

08/05/2015 15:34        
Nếu xét một cách tổng thể trong xu thế hội nhập cạnh tranh để phát triển, có thể khẳng định: Năng lực chế biến và công nghệ của nhiều nhà máy đường Việt Nam chưa cao.

Kỳ III: Lép vế năng lực, công nghệ


Công suất ép mía của phần lớn nhà máy đường đều nhỏ

Công suất nhỏ- công nghệ thấp
Hiệu quả hoạt động của các nhà máy đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, quy mô công suất là một tiêu chí rất quan trọng, vì công suất càng lớn thì hiệu quả kinh tế càng cao. Thông thường, một nhà máy đường cần có công suất thiết kế từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên với diện tích vùng nguyên liệu tương ứng mới có thể đạt được hiệu quả kinh tế theo lợi thế quy mô.
Những năm gần đây, phần lớn các nhà máy đường đã chủ động cải tạo dây chuyền sản xuất cũ để nâng cấp công suất. Song đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 41 nhà máy đường trên toàn quốc mới chỉ có 9 nhà máy có công suất ép từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên gồm: Lam Sơn (Thanh Hóa), Việt Đài (Thanh Hóa), NASU (Nghệ An), Khánh Hòa, KCP (Phú Yên), An Khê (Gia Lai), Thành Thành Công (Tây Ninh), SEC (Gia Lai), Cần Thơ và số ít nhà máy có công suất từ 3.000 đến dưới 6.000 tấn mía/ngày, phần lớn các nhà máy chỉ có công suất từ 1.000 đến dưới 3.000 tấn mía/ngày.
So sánh ngành mía đường Việt Nam với một số nước trong khu vực cho thấy, tỷ trọng nhà máy đường có công suất nhỏ dưới 4.000 tấn mía/ngày ở Việt Nam hiện chiếm tới 75%, của Philippines chỉ 20%, đặc biệt ở Thái Lan chỉ có 4,25%. Trong khi đó, tỷ lệ nhà máy đường công suất trên 10.000 tấn mía/ngày ở Việt Nam chỉ có 2,5%, tại Philippines là 13,3%, còn ở Thái Lan tới 68%. Ở Thái Lan thậm chí có nhà máy công suất đạt tới 40.000 tấn mía/ngày. Có lẽ không cần bình luận gì thêm.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của nhiều nhà máy đường trong việc đầu tư, nâng cấp công nghệ để nâng cao năng lực chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi từ sản xuất đường thô sang đường trắng, từ đường trắng sang đường luyện tiêu chuẩn (RS) và đường luyện cao cấp (RE - tốt hơn, trắng hơn, hàm lượng tạp chất ít hơn) trong thời gian qua.
Nhóm phóng viên về Nhà máy đường Khánh Hòa, chứng kiến nhà máy đang vận hành công suất ép 10.000 tấn mía/ngày, quy trình sản xuất khá hiện đại từ khâu cân mía, kiểm định chất lượng mía… đến luyện đường. Sản phẩm của Nhà máy đường Khánh Hòa đưa ra thị trường hiện nay hầu hết là đường RS và RE.


Nguyên liệu mía chờ vào nhà máy

Tuy nhiên, số nhà máy có trình độ sản xuất tương đương như Khánh Hòa còn chưa nhiều. Toàn ngành đường đến nay mới có 12/41 nhà máy sản xuất đường luyện RS và đường luyện RE từ mía và 1 nhà máy sản xuất đường RE từ đường thô. Tỷ lệ đường RE trong kế hoạch sản xuất niên vụ 2014- 2015 mới khoảng 750.000 tấn. Cần lưu ý, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành đường sản xuất 1,5 triệu tấn đường RE, chỉ sản xuất khoảng 500.000 tấn đường RS.
Nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty CP đường Quảng Ngãi- QNS) có công suất vận hành 12.000 tấn mía/ngày.
Đây là nhà máy có chiến lược đầu tư khá bài bản cho khâu chế biến cũng như vùng nguyên liệu. Tiếp xúc với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Thành Đàng- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc QNS- khiêm tốn thừa nhận: “Nếu nói hiện đại so với thế giới thì hơi quá vì nhà máy chủ yếu nâng cấp từ nền tảng công nghệ cũ (hầu hết các nhà máy đường đều nâng cấp, cải tạo từ công nghệ cũ). Song, sản phẩm của Nhà máy đường An Khê cũng mới là đường RS. Để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và sản xuất đường RE… thời gian tới, chúng tôi đang xúc tiến kế hoạch đầu tư 3.000 tỷ đồng nâng công suất nhà máy lên 18.000 tấn mía/ngày vào năm 2017 với các thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại”.


Dây chuyền ép mía tại Nhà máy đường An Khê (Gia Lai)

Giá thành đường cao
Trong cơ cấu giá thành sản xuất đường ở Việt Nam, chi phí mía nguyên liệu đầu vào chiếm tới 75- 80%. Với giá mía bình quân dao động từ 800.000- 1 triệu đồng/tấn, giá thành sản xuất đường hiện nay ước tính bình quân từ 11,2- 12 triệu đồng/tấn. Tuy không phải cao nhất thế giới, song theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá thành đường của Việt Nam còn cao hơn nhiều nước như Thái Lan, Brazil, Ấn Độ… Chẳng hạn, giá thành đường tại Brazil tương đương khoảng 7,9- 10,3 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sang Lào còn tuyên bố, giá thành đường thô của họ chỉ 4- 5 triệu đồng/tấn nhờ sản xuất mía được ứng dụng cơ giới hóa cao. Thậm chí, giá đường thương mại thế giới (đường trắng) giao tháng 5/2015 trên sàn giao dịch Luân Đôn (Anh) quy đổi theo tỷ giá hiện hành cũng mới chỉ tương đương 7,8 triệu đồng tấn (365,6 USD/tấn).
Tỷ trọng nhà máy đường có công suất nhỏ dưới 4.000 tấn mía/ngày ở Việt Nam hiện chiếm tới 75%; của Philippines là 20%; đặc biệt ở Thái Lan chỉ có 4,25%. Trong khi đó, tỷ lệ nhà máy đường công suất trên 10.000 tấn mía/ngày ở Việt Nam chỉ có 2,5%; tại Philipines là 13,3%; còn ở Thái Lan tới 68%.
Do giá thành cao như vậy nên đường Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với đường thương mại thế giới, lép vế hoàn toàn trước đường nhập khẩu (không tính đường nhập lậu) có nguồn gốc từ ASEAN. Mấy vụ sản xuất gần đây, nguồn cung đường dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ, ngành đường luôn bị tồn kho lớn mà sản phẩm vẫn chỉ loay hoay ở thị trường nội địa, chưa vươn ra thị trường toàn cầu, dù chất lượng tương đương tiêu chuẩn thế giới, duy nhất chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nhờ vận dụng chính sách thương mại biên giới.
Thực tế cho thấy, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh việc phải nhanh chóng tìm cách giảm giá thành nguyên liệu mía đầu vào thì phần lớn các nhà máy đường ở Việt Nam hiện nay còn phải nỗ lực rất nhiều trong việc đổi mới, hiện đại hóa công nghệ để nâng cao năng lực chế biến, giảm chí phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.
 
Kỳ IV: Kênh phân phối - Những dấu hiệu bất thường


Dây chuyền đóng bao tại Nhà máy đường Khánh Hòa

Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.