Ngành mía đường - Những “nút thắt” cần tháo gỡ (Kỳ V)

11/05/2015 12:46        
Nguy cơ thua trên “sân nhà” đối với các doanh nghiệp (DN) đường Việt Nam đã hiện hữu. DN nào có chiến lược thích hợp đầu tư nâng cao năng lực chế biến, đầu tư bài bản cho vùng nguyên liệu sẽ có cơ hội phát triển và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trong nước và quốc tế.

Kỳ V: Làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh?


Làm đất trồng mía bằng máy cơ giới ở vùng nguyên liệu Nhà máy đường An Khê

Cạnh tranh- nhìn từ Nhà máy đường An Khê
Cái gốc của sản xuất đường là vùng nguyên liệu. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải đột phá từ khâu sản xuất nguyên liệu mía và đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến đường. Để có vùng nguyên liệu cạnh tranh, không có con đường nào khác là cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác mía.
Ông Nguyễn Văn Hòe- Giám đốc Nhà máy đường An Khê- cho biết: Nhà máy đã thực thi chiến lược đó từ năm 2007 và đang thực hiện hiệu quả 3 chương trình “sinh học hóa”, “hóa học hóa”, “cơ giới hóa” để đưa tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, trước hết là chứng minh tính hiệu quả cho nông dân, sau đó cung cấp các dịc vụ (giống mới, phân bón, làm đất, trồng mía, chăm sóc, thu hoạch mía bằng máy…) với giá ưu đãi, ứng vốn trước không lấy lãi, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.
Nhà máy đường An Khê trang bị 150 máy cày công suất lớn, trên 400 thiết bị canh tác, 1 máy thu hoạch mía (năng suất gấp 500 lao động). Đến nay, khoảng 50% diện tích vùng nguyên liệu mía của nhà máy (12.000 ha) đã được cơ giới hóa trong canh tác.
Hiệu quả đầu tư chiều sâu cho vùng nguyên liệu rất rõ rệt. Phóng viên Báo Công Thương về thôn 4, xã Đăk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, một thôn có 120 hộ dân với tổng diện tích đất tự nhiên 455 ha, hầu hết đang trồng mía. Ông KLắp- một nông dân- chia sẻ: “Nhà tôi trồng 4 ha mía, trước đây năng suất chỉ 50- 55 tấn/ha. Nhờ cơ giới hóa, năm nay, năng suất tới 85-100 tấn/ha, trừ hết chi phí (khoảng 35 triệu đồng/ha), lãi được 150 triệu đồng”. Tại đây, một số hộ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đạt năng suất 120 tấn/ha, chi phí giảm khoảng 6 triệu đồng/ha. Địa phương đang phối hợp cùng Nhà máy đường An Khê nhân rộng cánh đồng lớn để nâng thu nhập người dân lên 35 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 (hiện tại là 28 triệu đồng/người/năm).
Rõ ràng, người nông dân ở Kbang đã có lợi ích lớn, gắn bó với mía. Năm 2001, vùng nguyên liệu Nhà máy đường An Khê mới có 2.400 ha, nay đã tăng lên 24.000 ha (niên vụ 2014- 2015 tăng khoảng 3.000 ha), dự kiến sẽ tăng lên 30.000 ha trong vài năm tới, đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động với công suất 18.000- 20.000 tấn mía/ngày.
“Chúng tôi đang phấn đấu tăng tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ lên 80- 90% diện tích để đạt năng suất mía bình quân 100-120 tấn/ha, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành nguyên liệu mía, đồng thời có kế hoạch đầu tư 3.000 tỷ đồng nâng công suất nhà máy từ 12.000 lên 18.000 tấn mía/ngày vào năm 2017 để nâng cao năng lực chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có (đường RS) và sản xuất đường tinh luyện cao cấp RE”- ông Hòe nói.


Những cánh đống mía lớn ở Gia Lai

Chuyên gia hiến kế
Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành đường, ngoài sự nỗ lực tự thân từ DN, không thể thiếu vai trò của nhà nước. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, hệ thống chính sách phát triển ngành mía đường đã có, song chưa đủ. Đặc biệt, các chính sách đặc thù cho ngành mía đường phát triển còn thiếu và chưa hiệu quả, người nông dân khó tiếp cận sự hỗ trợ từ các chính sách...
Ông Phạm Minh Trí- chuyên viên Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn- cho rằng: Nhà nước cần định hướng cho ngành mía đường rà soát lại quy hoạch phát triển, xác định các vùng sản xuất có lợi thế để đầu tư thâm canh mía hiệu quả. Sự tích tụ nhiều nông hộ- nhà chế biến nhỏ thành những trang trại- nhà máy lớn, xây dựng các mô hình cánh đồng lớn, sẽ mang lại các lợi thế kinh tế của vùng nguyên liệu mía. Ước tính quy mô trồng mía trung bình phải tăng gấp 3- 4 lần so với hiện nay (đạt từ 3- 4 ha/hộ) để nông dân có thể hưởng lợi từ cơ giới hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng mía, giảm tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cần giảm số lượng các nhà máy, chỉ cần duy trì khoảng 1/2 số nhà máy so với hiện nay để phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hải- Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam- cho rằng, nên sáp nhập, di dời các nhà máy có công suất nhỏ, hoạt động không hiệu quả, không có vùng nguyên liệu thích hợp, nhằm nâng công suất, đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm.


Chăm sóc mía bằng máy ở vùng nguyên liệu Nhà máy đường An Khê

Ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam:

Nên sáp nhập, di dời các nhà máy có công suất nhỏ, hoạt động không hiệu quả, không có vùng nguyên liệu thích hợp, nhằm nâng công suất, đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm.

Đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học tạo ra đột phá về năng suất mía là yếu tố quan trọng để hạ giá thành sản xuất đường hiện nay. Tiến sỹ Cao Anh Đương- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường- kiến nghị: Cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu lai tạo và phát triển các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao. Nhà nước nên để ngành đường “nuôi” công tác nghiên cứu khoa học bằng việc trích nộp kinh phí từ  0,5- 1% tổng sản lượng mía đưa vào chế biến để đầu tư trở lại cho nghiên cứu khoa học, nhằm tạo ra động lực thúc đẩy ngành mía đường phát triển và cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Từ thực tế quản lý nông nghiệp, ông Tào Anh Tuấn- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa- cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi… cho các vùng trồng mía tập trung; hỗ trợ các DN đường đầu tư sản xuất các mặt hàng từ phụ phẩm mía đường (điện bã mía, xăng sinh học, phân bón...) để đa dạng hóa sản phẩm.
Ngoài ra, theo ông Trí, nhà nước cần tăng cường quản lý xuất nhập khẩu đường thông qua các chính sách hạn ngạch linh hoạt nhằm điều chỉnh tốt quan hệ cung- cầu trong nước, bảo đảm lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng; ngăn chặn hiệu quả đường nhập lậu tại các cửa khẩu biên giới, có các biện pháp hiệu quả bảo vệ ngành đường trong nước trước những yếu tố cạnh tranh không lành mạnh. Trong kinh doanh thương mại, các DN cần đổi mới phương thức buôn bán đường bằng những hình thức thương mại hiện đại như thị trường giao sau, hợp đồng ưu đãi...
Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.