Ngành mía đường - Những “nút thắt” cần tháo gỡ (Kỳ I)

06/05/2015 04:50        
Để góp phần trả lời cho câu hỏi: “Vì sao ngành mía đường Việt Nam yếu kém so với khu vực và thế giới?”, tháng 4/2015, nhóm phóng viên kinh tế của Báo Công Thương đã đi thực tế một số nhà máy đường và vùng nguyên liệu mía ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, thực hiện những bài viết, trong đó nêu những ý kiến của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xung quanh vấn đề mía đường Việt Nam.

Kỳ I: “Di chứng” từ chương trình 1 triệu tấn đường


Nhiều nhà máy đường công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp

Trong quá trình phát triển các dự án nhà máy đường theo Chương trình 1 triệu tấn đường (giai đoạn 1995- 2000), các địa phương thiếu quy hoạch dài hạn ngay từ ban đầu nên đã để lại những “di chứng” khó “chữa trị”.

Chủ trương đúng
Trồng mía và nghề làm mật mía thủ công ở Việt Nam đã có từ lâu. Nhưng ngành công nghiệp mía đường chỉ thực sự phát triển từ những năm đầu thập kỷ 1990. Năm 1994, cả nước mới chỉ có 9 nhà máy sản xuất đường từ mía, tổng công suất thiết kế khoảng 9.100 tấn mía/ngày và 2 nhà máy tinh luyện đường công suất nhỏ 120- 200 tấn/ngày. Tổng sản lượng đường các nhà máy trên cả nước sản xuất thời điểm này khoảng 500.000 tấn/năm. Đây là con số chỉ mới “quá bán” so với nhu cầu tiêu dùng ở thị trường nội địa. Trong hơn nửa đầu thập kỷ 1990, mỗi năm nền kinh tế nước ta vẫn phải tiêu tốn nhiều triệu USD nhập khẩu 300.000- 500.000 tấn đường để bù đắp thiếu hụt.
Nhận thức được tiềm năng, lợi thế cây mía có thể mang lại, Đảng và Nhà nước đã cho “nâng cấp” ngành công nghiệp mía đường. Chủ trương phát triển ngành mía đường là đầu tư chiều sâu, mở rộng quy mô các nhà máy đường hiện có, xây dựng thêm một số nhà máy có quy mô vừa, nhỏ và nhà máy có thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với quy mô các vùng nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2000, sản lượng đường đạt khoảng 1 triệu tấn.
Ngành mía đường giai đoạn này được xác định hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận tối đa, mà là một ngành kinh tế- xã hội quan trọng. Từ chủ trương đó, Chương trình 1 triệu tấn đường (giai đoạn 1995- 2000) đã được triển khai và hoàn thành mục tiêu vào năm 2000, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng đường trong nước, thay thế đường nhập khẩu, đặc biệt đã tạo ra hàng triệu việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát triển “nóng vội”
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành mục tiêu 1 triệu tấn đường, từ năm 2001- 2003, ngành mía đường rơi vào khủng hoảng, hầu hết các nhà máy đường làm ăn thua lỗ, nông dân nhiều nơi bỏ trồng mía. Báo cáo của các cơ quan quản lý cho thấy, trong giai đoạn 2001- 2003, các nhà máy đường trên cả nước đã lỗ khoảng 2.700 tỷ đồng. Trừ một số nhà máy có điều kiện gần vùng nguyên liệu có thể duy trì hoạt động, không ít nhà máy do công nghệ lạc hậu hoặc ở quá xa vùng nguyên liệu, đã không thể phát huy hiệu quả. Nguyên nhân khách quan do giá đường sụt giảm.

GS. TS Võ Tòng Xuân:

Chương trình 1 triệu tấn đường đã đạt được mục tiêu về số lượng, nhưng giá thành sản xuất mía quá cao, tới 50- 55 USD/tấn, trong khi của Brazil chỉ 13- 16 USD/tấn, Australia 18- 29 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn…, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân là do thiếu nghiên cứu khoa học, người nông dân canh tác mía theo cảm tính, dựa vào kinh nghiệm.

Nhưng dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu chiến lược, đó là do phát triển có phần “nóng vội”. Do được hậu thuẫn về chủ trương, chính sách, gần 30 tỉnh, thành phố đã “tranh thủ” xin phép và cho ra đời hàng loạt nhà máy đường. Chỉ trong vòng 5 năm (1995- 2000), số lượng nhà máy đường trên cả nước đã tăng từ 9 lên 44 nhà máy. Đáng lưu ý, khi thực hiện các dự án nhà máy đường, các địa phương chưa nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn và quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho nhà máy, cũng như lựa chọn công nghệ phù hợp (chủ yếu trang bị dây chuyền thiết bị của Trung Quốc, công suất nhỏ 1 ngàn tấn mía/ngày)…, nên ngành mía đường đã phát triển thiếu bền vững ngay từ giai đoạn đầu.
Để cứu ngành mía đường khỏi nguy cơ phá sản, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 28/2004/QĐ-TTg tái cơ cấu sản xuất và thực hiện cổ phần hóa, từ đó ngành mía đường mới hồi phục. Đến nay, mía đường vẫn khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước, không chỉ sản xuất đủ sản phẩm đường đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn xuất khẩu.
Tuy nhiên, trước làn sóng hội nhập quốc tế cạnh tranh mang tính sống còn, ngành mía đường Việt Nam “đuối sức”. Sản xuất mía lạc hậu khiến giá thành mía cũng như giá thành sản xuất đường khá cao; năng lực chế biến và công nghệ của nhiều nhà máy còn hạn chế; hệ thống phân phối đường yếu kém và thiếu minh bạch… đang đe dọa sự đổ vỡ đối với một số nhà máy đường yếu kém. Những bất cập này sẽ được đề cập cụ thể trong các bài viết sau.

Kỳ II: Nguyên liệu mía - Nhiều bất cập
Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.