Ngành mía đường - Những “nút thắt” cần tháo gỡ (Kỳ IV)

08/05/2015 23:33        
Các nhà máy đường chỉ đảm nhiệm khâu chế biến, sản xuất ra sản phẩm, còn khâu phân phối trên thị trường phụ thuộc phần lớn vào trung gian thương mại, đẩy giá đường bán lẻ tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Kỳ IV: Kênh phân phối - Những dấu hiệu bất thường


Niêm yết giá đường tại Công ty TNHH MTV dịch vụ Điệp Đường

Bất thường giá đường
Doanh nghiệp đường hầu hết chỉ chế biến và phát triển mảng bán sỉ. Có đến 80-90% sản lượng đường từ các nhà máy được các công ty thương mại mua lại, sau đó cung ứng ra thị trường. Các nhà máy đường không có khả năng quyết định giá bán trên thị trường.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá bán sỉ tại các nhà máy đối với đường tinh luyện RE trung tuần tháng 4/2015 dao động từ 13.900- 15.000 đồng/kg. Với mức giá sỉ này, theo các chuyên gia thương mại, giá bán lẻ đường RE tới người tiêu dùng chỉ khoảng 16.500- 17.500 đồng/kg là hợp lý. Trong khi đó, ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên Báo Công Thương ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cho thấy, giá bán lẻ đường RE đóng gói 1kg tại một số cửa hàng bán lẻ tư nhân và các siêu thị bình quân từ 20.000- 25.000 đồng, tùy loại, tăng khoảng 50- 60% so với giá bán sỉ của các nhà máy.
Đây là hiện tượng không bình thường. Bởi theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam- người tiêu dùng đang phải mua đường với giá quá cao, ngay cả khi cung vượt cầu.


Tìm hiểu phương thức phân phối tại Công ty Điệp Đường

Có dấu hiệu lũng đoạn?
Nhóm phóng viên tới Công ty TNHH MTV dịch vụ Điệp Đường (phường 13, quận 4, TP.Hồ Chí Minh), được biết mỗi tháng công ty tiêu thụ khoảng 30- 40 tấn đường các loại. Chị Đào Hồng Hạnh- Phụ trách kinh doanh của Công ty Điệp Đường- phản ánh: “Nguồn cung đường chỉ có thể từ các nhà phân phối lớn. Công ty mua đường RE của Công ty CP đường Biên Hòa (Đồng Nai) với giá 17.500 đồng/kg về bán sỉ với giá 19.000 đồng/kg. Không thể lấy được đường trực tiếp từ Nhà máy đường Biên Hòa với giá bán sỉ cấp I”. Nhóm phóng viên tới Công ty CP đường Biên Hòa tìm hiểu nguyên nhân, lãnh đạo công ty lấy lý do bận công tác chưa thể sắp xếp được thời gian tiếp xúc phóng viên.
Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, từ lâu các nhà máy đường đã xây dựng hệ thống đại lý phân phối cấp I, cấp II… của nhà máy để phân phối đường, các nhà bán lẻ muốn mua đường trực tiếp tại nhà máy với giá bán sỉ cấp I là không thể. Mỗi cấp đại lý trung gian chỉ cần thu lợi nhuận 10-15% thì chênh lệch giá đường đến tay người tiêu dùng tăng 50- 60% là dễ hiểu.
Ông Nguyễn Hải- Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam- nghi ngờ rằng, không loại trừ có sự móc ngoặc giữa một số nhà máy đường với các công ty trung gian thương mại để phân phối đường với giá cao (?).
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên Báo Công Thương, một số công ty có chức năng thương mại là những cổ đông khá lớn tại một số công ty đường. Một số công ty đường cũng là cổ đông lớn tại các công ty đường khác. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công sở hữu 24,6% cổ phần tại Công ty CP Mía đường BourBon Tây Ninh (SBT- nay là Thành Thành Công Tây Ninh- TTC), sở hữu 19,4% tại Công ty CP Đường Ninh Hòa (NHS), sở hữu 16% cổ phần tại Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS). Còn SBT lại nắm giữ 24,2% cổ phần tại Công ty CP Mía đường- nhiệt điện Gia Lai (SEC), nắm giữ 21,6% cổ phần tại BHS, nắm giữ 9,9% cổ phần tại NHS. Trong khi đó, NHS lại có khoảng 14% cổ phần tại SBT, 23% cổ phần tại SEC…
Khách hàng truyền thống của NHS là Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công, SBT, BHS; khách hàng truyền thống của SEC cũng là Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công…


Nhà máy đường chỉ sản xuất ra sản phẩm

Lý giải việc các nhà máy đường chỉ phát triển mảng bán sỉ cũng như tình trạng “sở hữu chéo” trong ngành đường, ông Đỗ Thành Liêm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam- phân tích:
Các doanh nhân luôn tìm mọi ngóc ngách thương trường để tối đa hóa lợi ích. Các nhà máy đường chỉ phát triển kênh bán sỉ là quyền của họ. “Sở hữu chéo” trong ngành đường là chuyện bình thường khi pháp luật chưa cấm. Vấn đề đáng nói là họ có thể dùng tỷ lệ cổ phần để chi phối một số công ty đường, điều chuyển lợi ích sang hình thức khác về một công ty trung gian để thu lợi tức lớn, lấy đi lợi tức chính đáng của các cổ đông khác. Chẳng hạn, khi có khoảng 25% cổ phần và điều hành một công ty, họ dùng khoảng 25% cổ phần ở công ty đầu làm “chim mồi” mua cổ phần ở một công ty đường khác rồi nắm quyền chi phối, tiếp tục dùng khoảng 25% cổ phần ở công ty thứ 2 mua cổ phần công ty thứ 3 và nắm quyền chi phối..., cứ như vậy, “bắc cầu” đi từ công ty này sang công ty khác. Mang danh “group”, song thực chất tài sản chỉ có khoảng 25% vốn cổ phần của công ty ban đầu, nhưng họ khống chế hoạt động của cả chuỗi. Cổ đông nhỏ lẻ tại các công ty bị bị thiệt hại vì phải chịu giá vật tư đầu vào cao, đường đầu ra bán giá thấp (cung cấp theo giá trong chuỗi). Lợi tức họ điều chuyển về công ty trung gian rất lớn. Đó có thể coi là lũng đoạn, cần phải cấm.
Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 quy định: Công ty con không được góp vốn mua cổ phần công ty mẹ; các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; các công ty con của cùng một công ty mẹ mà trong đó nhà nước sở hữu trên 65% vốn điều lệ không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hải cho biết thêm, làm rõ việc có lũng đoạn hay không trong ngành đường không khó. Các nhà máy đường, các công ty khi mua bán vật tư, mua bán đường… đều phải có hóa đơn, chứng từ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kiểm toán các nhà máy đường, các công ty liên quan xem họ thu được lợi tức cao từ đâu, có đóng thuế đúng luật hay không?…
Nhiều công ty đường luôn kêu khó khăn do giá đường giảm, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua đường giá cao. Theo ông Đỗ Thành Liêm, công tác quản lý giá đường của các cơ quan chức năng bị thả lỏng nên khâu trung gian phân phối lợi dụng đẩy giá bán lẻ lên quá cao. Nhà nước nên quy định mức giá đường để khâu phân phối hưởng lợi nhuận phù hợp và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp làm sáng tỏ vấn đề chênh lệch giá đường bất thường.
 
Kỳ V: Làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh?

Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.