Ngành mía đường - Những “nút thắt” cần tháo gỡ (Kỳ II)

07/05/2015 02:11        
Đất trồng mía vùng nguyên liệu của các nhà máy đường hầu hết do người nông dân sử dụng manh mún, địa hình phức tạp, cơ giới hóa trong canh tác mía rất hạn chế; nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật tiến bộ mía đường không được đầu tư đúng mức...

Kỳ II: Nguyên liệu mía- Nhiều bất cập


Lãnh đạo Viện nghiên cứu mía đường giới thiệu khu vườn ươm giống mía cho phóng viên Báo Công Thương

Canh tác mía lạc hậu

Tại vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang kỳ thu hoạch, tiếp xúc với phóng viên, chị Đặng Thị Bi - ở Thôn Bắc, xã Ninh Tân, Ninh Hòa - buồn rầu: “Gia đình có 4 ha mía, năm trước, thời tiết thuận lợi năng suất được 70- 80 tấn/ha, lãi cả trăm triệu đồng. Năm nay khô hạn, ít mưa, chỉ đạt 35- 40 tấn/ha, lỗ vốn nặng”.
Ông Tào Anh Tuấn- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa- cho biết: Toàn tỉnh có trên 19.000 ha trồng mía. Chỉ khoảng 10% diện tích có thể chủ động được nước tưới. Niên vụ 2014- 2015, năng suất mía bình quân chỉ khoảng 47 tấn/ha.
Tại vùng nguyên liệu của Công ty CP mía đường Sơn Dương (SONSUCO- Tuyên Quang) ông Bùi Hưng Thịnh- Tổng giám đốc SONSUCO- cho hay: Để có nguyên liệu cho 2 nhà máy hoạt động với tổng công suất 5.000 tấn mía/ngày, công ty phải ký hợp đồng với 30.000 hộ nông dân. Bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,4 ha diện tích mía, phân bổ khắp địa hình trung du, miền núi phức tạp. Muốn cơ giới hóa đòi hỏi vùng nguyên liệu phải có những diện tích đất đủ lớn, tương đối bằng phẳng, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn hàng trăm ha. Đất trồng mía manh mún, nhỏ,  lẻ rất khó đưa cơ giới hóa vào các khâu canh tác.
Vùng nguyên liệu của Công ty CP mía đường Lam Sơn (LASUCO- Thanh Hóa) đã được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt từ niên vụ 2008-2009 cho năng suất tới 80- 95 tấn/ha/vụ mía tơ. Nhưng đến nay LASUCO mới chỉ triển khai được 345/16.000 ha (khoảng 2,1%). Nguyên nhân do 70% diện tích là đất đồi có độ dốc cao, phân bố trên địa bàn 10 huyện trung du và miền núi, hạ tầng giao thông, thủy lợi khó khăn.
Canh tác mía thủ công là tình trạng chung ở hầu hết vùng nguyên liệu của các nhà máy đường trên cả nước hiện nay. Trừ khâu làm đất đã được cơ giới hóa bình quân khoảng 65- 75% diện tích (theo Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch), các công đoạn khác từ trồng, chăm sóc, thu hoạch mía… nông dân vẫn thực hiện thủ công. Việc tưới nước cho 70% diện tích mía trên cả nước vẫn phụ thuộc vào “ông trời”. Năm nào gặp thời tiết khô hạn, năng suất mía tụt giảm thê thảm.
Ông Nguyễn Hải- Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam- nhận xét: Chi phí mía nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đường chiếm tới 75- 80% giá thành đường. Đây là nguyên nhân chính khiến năng lực cạnh tranh của mía đường Việt Nam yếu kém.


Thu hoạch mía thủ công ở Ninh Tân- Ninh Hòa - Khánh Hòa

Nghiên cứu khoa học bị bỏ quên

Trong khi sản xuất mía vẫn còn nặng về thủ công thì công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mía đường vẫn không được quan tâm đúng mức. Nhóm phóng viên tới Viện Nghiên cứu mía đường, những người làm khoa học nơi đây có vẻ... buồn chán: Công tác nghiên cứu khoa học gặp muôn vàn khó khăn do thiếu kinh phí. 10 năm trước, khi còn trực thuộc Tổng công ty Mía đường I, họ đã bị cắt cả lương cơ bản. Từ 2005 được về hệ thống nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, họ mới lại được trả lương cơ bản. Song từ đó đến nay, công tác nghiên cứu vẫn rất... phập phù.
Để tồn tại, phát triển và cạnh tranh được với khu vực, ngành mía đường phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nghiên cứu khoa học cần được ưu tiên hàng đầu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2014-2015, năng suất mía cả nước ước đạt bình quân 64,7 tấn/ha (mức bình quân của nhóm nước có năng suất mía thấp thế giới là 70,2 tấn/ha); chữ đường bình quân 10 CCS (mức bình quân của thế giới là 12-13 CCS, thậm chí có nước tới 15- 16 CCS); giá mía nguyên liệu dao động từ 800.000- 1 triệu đồng/tấn mía 10 CCS (tại Thái Lan và Brazil chỉ khoảng 600.000 đồng/tấn)...
Tuy nhiên, tiến sỹ Cao Anh Đương- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường- thông tin: Hiện nay, kinh phí được cấp cho nghiên cứu mía đường rất thấp, bình quân chỉ khoảng 0,03% tổng sản lượng mía đưa vào chế biến, trong khi mức bình quân của thế giới là 0,5- 1%.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết: Việt Nam là nước ít nghiên cứu về cây mía nhất trong số các nước trồng mía. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và khuyến nông về cây mía chưa được quan tâm đúng tầm quan trọng của nó, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Vì vậy, việc lai tạo phát triển các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện từng vùng ở Việt Nam để đưa ra sản xuất còn rất chậm.
Hiện cả nước có 77 giống mía đang trồng, nhiều chủng loại có nguồn gốc từ nhiều nước, do Viện Nghiên cứu mía đường và các doanh nghiệp tự khảo nghiệm (khoảng 40%) rồi đưa ra sản xuất, khả năng thích nghi không cao. Một số giống mía do Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam lai tạo có năng suất 100- 120 tấn/ha đưa ra sản xuất rất ít, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng diện tích. Đây là một nguyên nhân nữa khiến cho năng suất, chất lượng mía ở Việt Nam rất thấp.

Kỳ III: Lép vế năng lực - công nghệ
Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.