Đề xuất hợp tác nhiều lĩnh vực

22/03/2024 08:45        

Tại Hội nghị gặp gỡ Khánh Hòa - Indonesia, lãnh đạo các sở, ngành của Khánh Hòa đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển của tỉnh; đồng thời đưa ra nhiều đề nghị hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thương mại…

* Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 

Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản

Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Khánh Hòa có thế mạnh về nuôi biển, trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh với khoảng 74.443 lồng nuôi, sản lượng hàng năm đạt hơn 1.800 tấn. Các loài cá biển, như: Cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng... cũng được nuôi nhiều với hơn 10.000 lồng nuôi, tổng sản lượng khoảng 9.800 tấn/năm. Ngoài ra, một số đối tượng nuôi như: Cua biển, hàu, tu hài, rong biển cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Hiện nay, Khánh Hòa có 3 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp điển hình hiệu quả. Trong đó, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (100% vốn nước ngoài) là đơn vị nuôi cá chẽm theo công nghệ Na Uy tại vịnh Vân Phong với quy mô 52 lồng nuôi, sản lượng hàng năm đạt khoảng 6.000 tấn; xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trang trại của Trung tâm nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 nuôi cá chim vây vàng với 42 lồng HDPE, sản lượng khoảng 250 tấn/năm; tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, các nước Trung Đông.  Công ty Cổ phần Nuôi trồng thủy sản Phương Minh nuôi cá chim vây vàng tại vịnh Vân Phong với 11 lồng HDPE, sản lượng 150 tấn/năm; tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước Trung Đông…

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng có thế mạnh về khai thác và chế biến thủy sản, với 3.190 tàu cá, trong đó có 657 tàu khai thác xa bờ; 149 cơ sở sản xuất chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 64 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành… Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản rất lớn. 

* Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch:  

Nghiên cứu mở đường bay thẳng từ Indonesia đến Khánh Hòa

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch

Khánh Hòa xác định tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tỉnh đang nỗ lực xúc tiến, quảng bá để đưa Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Đông Nam Á. Mục tiêu của du lịch Khánh Hòa đến năm 2025 thu hút được 11 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 200.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp vào GRDP từ 15% đến 17%; tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch… Để đạt được những mục tiêu này, Khánh Hòa sẽ thực hiện những cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thông thoáng, quan tâm thu hút mọi nguồn lực đầu tư quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện môi trường du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá thương hiệu Nha Trang - Khánh Hòa để trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế trong thời gian tới. 

Ngành du lịch Khánh Hòa mong muốn các cơ quan, doanh nghiệp Indonesia sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác du lịch giữa hai bên. Trước mắt, chúng tôi đề nghị Hiệp hội Du lịch (HHDL) Indonesia và HHDL các tỉnh, thành phố của Indonesia quan tâm kết nối cùng HHDL Nha Trang - Khánh Hòa thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức các đoàn famtrip, press trip để hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm dịch vụ du lịch của hai bên. Đồng thời, nghiên cứu ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch giữa Khánh Hòa - Indonesia hướng đến phát triển bền vững lâu dài; phối hợp với các hãng hàng không nghiên cứu mở đường bay thẳng trực tiếp Indonesia đến Khánh Hòa và ngược lại để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khách du lịch; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về hoạt động du lịch theo hướng phát triển bền vững, phát triển du lịch xanh, công nghệ số; thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của Khánh Hòa và Indonesia nhằm thu hút khách du lịch đến với Khánh Hòa và Indonesia.

* Bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương:

Cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu

Bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương

Sản phẩm của các doanh nghiệp Khánh Hòa đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm thủy sản, may, cà phê, gỗ nội thất. Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, như: Tổ chim yến và sản phẩm từ yến sào, rong nho, xoài sấy... ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường nước nhập khẩu.

Hiện nay, có 9 doanh nghiệp của Khánh Hòa có quan hệ thương mại với Indonesia ở các lĩnh vực: Thủy sản, bột cá, may mặc, bao bì, máy móc, sản phẩm nhựa. Doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa và Indonesia có thể tận dụng các cam kết cắt giảm thuế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam và Indonesia cùng là thành viên để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm.

Thời gian tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Sở Công Thương tiếp tục thông tin hỗ trợ đến doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối giao thương và các hội chợ, triển lãm… do các bộ, ngành tổ chức; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các quy tắc xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng tốt hơn các cam kết về thuế, tạo điều kiện hỗ trợ cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu vào thị trường Indonesia, các sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Khánh Hòa cần có chứng nhận Halal của Indonesia.

Theo baokhanhhoa.vn

Truy cập tin bài gốc tại đây: Đề xuất hợp tác nhiều lĩnh vực - Báo Khánh Hòa điện tử (baokhanhhoa.vn)

 
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.