Khánh Hòa qua chỉ số PCI, PAPI 2015

09/06/2016 23:00        

Xu thế biến đổi cấp quốc gia
Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các tỉnh, thành phố do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy điểm trung vị năm 2015 đạt 58,47 điểm, tương đương mức điểm năm 2014. Lần đầu tiên sau 04 năm, khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và nhóm cuối bảng bắt đầu được nới rộng. Cụ thể, điểm của Đà Nẵng đạt 68,34, tăng 1,5 điểm so với năm 2014. Thấp nhất là tỉnh Đắk Nông, đạt 48,96 điểm (giảm khoảng 5 điểm so với năm 2014). Khoảng cách giữa vị trí cao nhất và thấp nhất gần 20 điểm.
Chỉ số PCI năm 2015 ghi nhận những cải thiện ở tiêu chí Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Chi phí thời gian. Trong đó, đáng ghi nhận là thời gian chờ đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giảm kỷ lục trong 11 năm điều tra PCI. Hiện nay, trung bình chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận. Khả năng tiếp cận các tài liệu về quy hoạch, kế hoạch được cải thiện; điểm số trung bình các website tăng cao nhất trong 03 năm qua, dần trở thành kênh thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, tỷ lệ truy cập trung bình đạt 72%. Nhiều doanh nghiệp nhỏ ghi nhận thủ tục giấy tờ đơn giản hơn, không phải đi lại nhiều lần để lấy chữ ký và đóng dấu, cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả, thân thiện và nhiệt tình hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải cải thiện. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả Chi phí không chính thức tăng từ 50% (2013) lên 64,5% (2014) và đến 66 % trong năm 2015. Hơn 11% doanh nghiệp cho biết riêng mục chi này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. 65% doanh nghiệp nhận thấy tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục còn phổ biến. Tại tỉnh trung vị PCI 2015, 39% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”; con số này tăng 4% so với năm 2014. 49% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”.

Kết quả của tỉnh Khánh Hòa
Đối với tỉnh Khánh Hòa, Chỉ số PCI năm 2015 đạt 58,69 (giảm so với năm 2014 là 59,78), đạt mức khá, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố (năm 2014 đứng thứ 16), giảm 11 bậc trên bảng xếp hạng cả nước. So với khu vực duyên hải Miền Trung, tỉnh Khánh Hòa xếp 6/12, giảm 01 bậc.



Từ năm 2009 đến năm 2015, điểm số PCI của tỉnh Khánh Hòa thay đổi không đáng kể theo thời gian, tuy nhiên trong điều kiện các tỉnh, thành phố có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh tất yếu sẽ biến động lớn về vị trí trên bảng xếp hạng.

Chỉ số

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Gia nhập thị trường

7.95

8.26

8.47

6.71

8.35

8.72

6.86

7.49

7.99

Tiếp cận đất đai

5.32

5.88

5.24

5.03

5.32

6.56

7.31

5.67

5.33

Tính minh bạch

5.18

6.4

5.56

5.12

5.31

5.96

5.73

6.12

6.28

Chi phí thời gian

7.13

5.5

6.71

7.08

7.08

6.09

6.47

6.27

6.06

Chi phí không chính thức

5.38

6.66

5.69

6.49

6.33

6.73

6.52

5.64

4.52

Tính năng động

3.63

4.83

3.95

3.37

4.57

5.43

5.36

4.89

4.13

Hỗ trợ doanh nghiệp

5.93

7.25

5.51

6.09

4.19

4.18

5.24

5.73

5.93

Đào tạo lao động

4.53

4.5

5.64

5.46

5.32

4.97

5.25

6.55

6.52

Thiết chế pháp lý

3.74

3.49

5.44

5.65

6.26

3.11

3.95

5.67

5.51

Cạnh tranh bình đẳng

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

7.1

4.7

4.41

PCI

52.42

52.12

58.66

56.75

59.11

58.82

57.49

59.78

58.69


Bảng tổng hợp Chỉ số PCI tỉnh Khánh Hòa từ năm 2007 đến năm 2015

Trong 10 tiêu chí thành phần được khảo sát, có 3 tiêu chí thành phần tăng điểm số so với năm 2014 (Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Hỗ trợ doanh nghiệp), 7 tiêu chí còn lại đều giảm điểm. Cụ thể:
Về Chỉ số Gia nhập thị trường, tỉnh Khánh Hòa đạt 7,99 điểm, hạng Khá, mặc dù tăng so với năm 2014 (7,49 điểm) nhưng chỉ đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố (tăng được 2 bậc). Ở tiêu chí này, thấp nhất là Hà Nội đạt 7,56 điểm, cao nhất là Hậu Giang đạt 9,23 điểm.
Trả lời phiếu khảo sát, doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trung bình tại Khánh Hòa là 8,5 ngày; thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh mất 7 ngày. Thời gian doanh nghiệp phải chờ đợi để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 30 ngày (ở Tuyên Quang là 90 ngày, Hà Giang, Ninh Bình, Hòa Bình 60 ngày; Thanh Hóa 40 ngày; trong khi tại Hải Phòng chỉ mất 10 ngày). 11,67% doanh nghiệp được hỏi cho biết phải mất từ 01 tháng trở lên để hoàn thành toàn bộ các thủ tục và chính thức hoạt động (trong đó 1,67 phải mất trên 3 tháng). 
Có 90,32% doanh nghiệp cho biết đã thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua Bộ phận một cửa; 59,48% nhận thấy thủ tục đã được công khai tại Bộ phận một cửa, tuy nhiên chỉ có 50,86% đánh giá thủ tục rõ ràng và đầy đủ. Chỉ có trên 25% đánh giá cán bộ một cửa nhiệt tình, thân thiện và ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ phận một cửa tốt.
Chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 5,33, hạng Khá, thấp hơn năm 2014 (5,67), xếp thứ 49 trên bảng xếp hạng, tụt 12 bậc so với năm 2014 (37/63). Thấp nhất là Hà Nội đạt 4,12; cao nhất là Bến Tre đạt 7,82.
Trả lời phiếu khảo sát, có 50% doanh nghiệp cho biết có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất là 2,52 điểm (1: cao nhất, 5: thấp nhất), như vậy rủi ro doanh nghiệp bị thu hồi đất tại tỉnh Khánh Hòa chỉ đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, khá thấp và doanh nghiệp khá yên tâm. Tuy nhiên, chỉ có 30,88% doanh nghiệp cho rằng luôn luôn được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất; 71,2% cho rằng điều chỉnh khung giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường (trong khi con số này ở Vĩnh Phúc là 87,04%, Đà Nẵng là 84,51%).
Chỉ có 13,79% doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho rằng không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh; 21,88% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua mà không gặp khó khăn nào về thủ tục; 18,37% doanh nghiệp có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện được vì lo ngại thủ tục rườm rà hoặc cán bộ nhũng nhiễu.
Ở Chỉ số Tính minh bạch, tỉnh Khánh Hòa đạt 6,28 điểm, hạng Khá, tăng nhẹ so với năm 2014 (6,12); xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc. Cao nhất là Đà Nẵng, đạt 7,33 điểm; thấp nhất là Hưng Yên, đạt 4,88 điểm.
Kết quả khảo sát cho thấy, 72,73% doanh nghiệp cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh, trong khi ở Lào Cai, chỉ có 59,52% đồng ý với quan điểm trên.
56,92% doanh nghiệp tại Khánh Hòa nhận định thương lượng với cán bộ thuế là một phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh, trong khi đó, ở Đồng Tháp con số này chỉ 28,57%. Như vậy, mối quan hệ với cơ quan thuế vẫn tạo ra cho doanh nghiệp nhiều quan ngại.
81,10% doanh nghiệp có truy cập vào Website của tỉnh; 83,78% cho biết các tài liệu về ngân sách của tỉnh đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh.
Chỉ số thành phần Chi phí thời gian tỉnh Khánh Hòa đạt 6,06 điểm, giảm so với năm 2014 (6,27), từ vị thứ 38 xuống thứ 50/63 tỉnh, thành phố. Cao nhất là Đồng Tháp, đạt 8,54 điểm; thấp nhất là Lạng Sơn đạt 5,06 điểm. Chỉ số này, tỉnh Khánh Hòa giảm liên tục từ năm 2013 đến nay, thấp hơn cả năm 2012 (6,09 điểm).
Tại Khánh Hòa, có đến 39,93% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định của Nhà nước; trong khi ở Hưng Yên, số này chỉ chiếm 21,95%.
Bình quân mỗi doanh nghiệp phải tiếp nhận 01 cuộc thanh/kiểm tra mỗi năm, với trung bình 3 giờ cho mỗi cuộc. Con số này khá tích cực so với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Tuy nhiên, chỉ có 56,72% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả; con số này khá thấp nếu so với đơn vị dẫn đầu là Đồng Tháp (87,36%), chỉ cao hơn Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Giang, Hà Nội. Chỉ có 48,87% doanh nghiệp cho rằng cán bộ Nhà nước thân thiện, kết quả này rất thấp. Trên 52% doanh nghiệp cho rằng vẫn phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký; chỉ có 39,69% doanh nghiệp cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản; 5,51% không thấy bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào (trong khi ở Vĩnh Long không có doanh nghiệp nào đưa ra nhận định này).
Chỉ số Chi phí không chính thức năm 2015, tỉnh Khánh Hòa đạt 4,52 điểm, giảm so với năm 2014 (5,64), xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố, tụt 35 bậc (năm 2014 xếp thứ 15/63).
Trả lời phiếu khảo sát, có 69,12% doanh nghiệp nhận định các doanh nghiệp cùng ngành phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; trong đó 13,49% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản này (Long An chỉ 3,23%). 68,42% doanh nghiệp nhận định hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến (Trà Vinh 43,82%; Hà Nội 77,52%); tuy nhiên không phải cứ trả chi phí không chính thức là công việc đạt được như mong đợi (trên 36%).
69,53% doanh nghiệp cho rằng mức chi phí không chính thức tại Khánh Hòa là có thể chấp nhận được, khá thấp so với kết quả chung.
Đối với Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, tỉnh Khánh Hòa đạt 4,41 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố; giảm 0,29 điểm và 4 bậc so với năm 2014. Cao nhất là Bạc Liêu (7,29), thấp nhất là Hà Tĩnh (3,35).
43,27% doanh nghiệp nhận định “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp của họ”; 33,33% đánh giá thuận lợi trong tiếp cận đất đai vẫn là đặc quyền dành cho các tập đoàn Nhà nước. Nhận định này đối với lĩnh vực tín dụng là 37,84%, khai thác khoáng sản 21,62%, thuận lợi trong thủ tục hành chính 26,13%; nhận hợp đồng là 27,93%.
45,5% doanh nghiệp nhận định tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước.
Chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh đạt 4,13 điểm, giảm thứ bậc khá mạnh so với năm 2014 (từ 21/63 xuống 52/63 tỉnh, thành phố). So với tỉnh đứng đầu là Đồng Tháp thì Khánh Hòa kém gần 3 điểm.
Chỉ có 71,93% doanh nghiệp được hỏi cho rằng UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân (Vĩnh Phúc 88,43%); 53,15% doanh nghiệp nhận định UBND tỉnh rất năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh (Bình Dương 82,50%). Chỉ có 30,65% doanh nghiệp cảm nhận thái độ chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực.
Doanh nghiệp nhận định cấp tỉnh có những sáng kiến hay, chủ trương tốt nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp Sở (73,45%) và ở cấp huyện (61,26%). 48,28% doanh nghiệp nhận định phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách của trung ương là “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” hoặc “không làm gì”.
Năm 2015, Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa đạt 5,93 điểm, xếp 15/63 tỉnh, thành phố, tăng cả về điểm số và xếp hạng (năm 2014 đạt 5.73 điểm, xếp 16/63 tỉnh).
Kết quả Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh đạt 6,52 điểm, tuy giảm nhẹ về điểm số nhưng tăng 01 bậc, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, 32,03% doanh nghiệp đánh giá dịch vụ dạy nghề do các cơ quan Nhà nước cung cấp rất tốt; 42% doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm; 91,3% doanh nghiệp hài lòng với lao động địa phương; 35,18% lao động tại các doanh nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo tại các trường nghề.
Chỉ số thiết chế pháp lý, Khánh Hòa đạt 5,51 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố (năm 2014 xếp thứ 33). Cao nhất là Kiên Giang 7,62 điểm; thấp nhất là Đăk Nông 4,48 điểm.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 25,56% doanh nghiệp nhận định hệ thống pháp luật tỉnh luôn có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ. Tỷ lệ này khá thấp nếu so với Đồng Tháp 47,67%.
Chỉ có 81,34% doanh nghiệp tin vào khả năng bảo vệ của pháp luật về tác quyền hoặc thực thi hợp đồng; chỉ có 61,06% doanh nghiệp cho rằng các vụ kiện kinh tế được Tòa án tỉnh giải quyết nhanh chóng; trong khi có đến 91,3% nguyên đơn ngoài quốc doanh trên tổng số nguyên đơn được Tòa án tỉnh thụ lý trong các tranh chấp. Chỉ có 80,36% doanh nghiệp nhận định phán quyết của toà án là công bằng, do vậy cũng chỉ có 36,92% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp.

Nhận xét
Trong 10 tiêu chí thành phần PCI 2015, tỉnh Khánh Hòa tăng điểm 3 tiêu chí, tăng thứ hạng 4 tiêu chí nhưng mức tăng không đáng kể (cao nhất Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 11 bậc, còn lại từ 1 – 2 bậc). Trong khi đó, 7 tiêu chí tụt giảm về điểm số và 6 tiêu chí giảm mạnh về thứ hạng: Tiếp cận đất đai (giảm 12 bậc), Chi phí thời gian (giảm 12 bậc), Chi phí không chính thức (giảm 35 bậc), Tình năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh (giảm 31 bậc), Thiết chế pháp lý (giảm 9 bậc). Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng cũng đạt thứ hạng khá thấp.
Thông qua kết quả khảo sát, doanh nghiệp còn cảm nhận môi trường kinh doanh của tỉnh chưa thật sự tích cực. Việc tiếp cận với thông tin, tài liệu về quy hoạch, kế hoạch của tỉnh còn khó khăn, phải có quan hệ mới có được tài liệu của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn quan ngại đối với cơ quan thuế, chưa thật sự yên tâm về chính sách bồi thường khi thu hồi đất.
Doanh nghiệp còn mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định, chính sách, thủ tục còn phức tạp; phải đi lại nhiều lần để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, cán bộ nhà nước làm việc chưa hiệu quả, chưa thân thiện, nhiệt tình. Cảm nhận của doanh nghiệp về tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc, thủ tục hành chính gia tăng đáng ngại.
Doanh nghiệp chưa cảm nhận rõ rệt tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; nhiều chủ trương, sáng kiến của lãnh đạo tỉnh rất tốt nhưng việc thực thi ở các sở, cấp huyện kém hiệu quả; lãnh đạo nhiều cơ quan né tránh các vấn đề khó, phức tạp trong các quy định, chính sách.
Sự tin cậy vào tính công bằng và trách nhiệm của tòa án tỉnh chưa cao, do vậy mà tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp khá thấp.
Mặc dù không nhận được kết quả khảo sát chi tiết để có đầy đủ hơn các thông tin, nhưng Chỉ số PCI 2015 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố cũng đã phản ánh khá sát thực tế môi trường kinh doanh tại Khánh Hòa và những nỗ lực CCHC của các sở, ngành, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh trong năm qua. Trên 10 tiêu chí được khảo sát thì ngoài Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý, 07 tiêu chí còn lại đều cung cấp những thông tin khá tương đồng với kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng năm 2015 được UBND tỉnh phê duyệt và công bố tại Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 22/02/2016. Theo đó chỉ số hài lòng trung bình năm 2015 của các sở, ngành thuộc tỉnh sụt giảm so với năm 2014.
Trong 6 tiêu chí tỉnh ta khảo sát, đánh giá thì tiêu chí Tiếp cận dịch vụ trung bình của tỉnh chỉ đạt 66,66%, trong khi tiêu chí này phản ánh mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về sự công khai, minh bạch đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và các phương thức để khai thác chúng hiệu quả; cung cấp thông tin và giải đáp kịp thời những điều mà người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư còn vướng mắc. Do vậy, các doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận tài liệu, thông tin và quy hoạch, kế hoạch là hợp lý. Điều này cho thấy nhận thức của hầu hết cơ quan về dịch vụ hành chính công chậm đổi mới.
Về Thủ tục hành chính, mặc dù có chuyển biến nhưng kết quả khảo sát cho thấy tình trạng phải đi lại nhiều lần để hoàn chỉnh hồ sơ còn khá phổ biến; cán bộ tiếp nhận hồ sơ máy móc, bắt bẻ, gây khó dễ. Các giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục chưa được thực hiện đầy đủ, tích cực; trong khi nhiều thủ tục rất rườm rà, phức tạp, nhất là đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường.
Kết quả, tiến độ giải quyết công việc cũng còn thấp tại nhiều cơ quan hành chính. Ngoài nguyên nhân quy định thủ tục còn phức tạp, khối lượng hồ sơ nhiều, năng lực một bộ phận công chức còn hạn chế, thì nguyên nhân chính nổi lên là việc giải quyết hồ sơ, công việc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp tại nhiều cơ quan chưa tuân thủ đầy đủ nguyên tắc, quy trình thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Chỉ số hài lòng đối với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường thuộc nhóm thấp nhất trong các cơ quan Sở (68,86%; 71,72% và 73,63%) và giảm so với năm 2014 cũng góp phần giải thích nguyên nhân Chỉ số Gia nhập thị trường, Chỉ số Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian không cải thiện đáng kể, thậm chí sụt giảm mạnh. Tổng hợp kết quả khảo sát mức độ hài lòng đối với tiêu chí Sự phục vụ của cán bộ, công chức cũng cho thấy còn tình trạng nhũng nhiễu, nhận tiền bồi dưỡng tại một số cơ quan hành chính, làm giảm chỉ số Chi phí không chính thức của PCI 2015.
Hầu hết các cơ quan hành chính được khảo sát mức độ hài lòng năm 2015 chưa chú trọng đến việc tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía người dân, tổ chức, doanh nghiệp để cải thiện chất lượng phục vụ, chưa quan tâm đến cảm nhận của khách hàng đối với sự phục vụ của cơ quan mình như thế nào. Như vậy, nhận thức của một số đồng chí lãnh đạo về trách nhiệm cơ quan mình đối với môi trường kinh doanh của tỉnh, về yêu cầu phải phục vụ tốt hơn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đúng mức. Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh giao chủ trì Đề tài khoa học cấp tỉnh Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Khánh Hòa và đã được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu năm 2014 nhưng việc triển khai trên thực tế như thế nào thì Sở Nội vụ chưa nhận được báo cáo.
Theo cchc.khanhhoa.gov.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.