Phát triển nhượng quyền thương mại tại Việt Nam: Nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý

30/07/2015 06:24        
Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam đang ngày càng  sôi động. Tuy nhiên, mặc dù phát triển mạnh, nhưng hoạt động nhượng quyền thương mại trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, cần phải nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động này.


Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại hội thảo

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Hội thảo “Tham vấn và đối thoại về việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam” diễn ra ngày 30/7/2015 tại TP Hồ Chí Minh do Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu ((EU-MUTRAP) tổ chức.

Hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển nhanh
Nhượng quyền thương mại (Franchise/Franchising) là một hình thức kinh doanh và là một hoạt động thương mại đặc thù được hình thành và phát triển trong hệ thống kinh tế thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới, doanh thu đạt tới hàng ngàn tỷ USD mỗi năm. Với chi phí thấp và ít rủi ro, các doanh nghiệp trên thế giới tham gia ngày càng mạnh mẽ vào hoạt động nhượng quyền thương mại.
Tại Việt Nam, hình thức kinh doanh nhượng quyền đã có mặt từ trước năm 1975 thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu (gas station) của Mỹ như Mobil, Exxon (Esso), Shell. Tuy mới xuất hiện trở lại Việt Nam từ cuối những năm 90 nhưng hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển nhanh, bình quân 15-20%/năm. Đến nay, Việt Nam có khoảng 140 hệ thống nhượng quyền thương mại với doanh thu từ hoạt động này đạt tới hàng triệu USD mỗi năm.
Các thương nhân nước ngoài nhượng quyền vào Việt Nam chủ yếu ở các lĩnh vực: nhà hàng, bao gồm cửa hàng bán thức ăn nhanh hoặc bánh, cà phê và đồ uống khác với 42 thương hiệu/nhãn hiệu; cửa hàng thời trang với 19 thương hiệu/nhãn hiệu; cửa hàng tiện lợi 03 thương hiệu; cửa hàng bán lẻ 15 thương hiệu/nhãn hiệu; giáo dục - đào tạo với 17 thương hiệu; các dịch vụ cho thuê xe ô tô; môi giới bất động sản; đóng gói, lưu kho, chuyên chở; hàng không giá rẻ; dịch vụ internet... với  15 thương hiệu/nhãn hiệu.
Theo TS. Phạm Nguyên Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, tuy là phương thức thương mại tương đối mới, nhưng hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu nhất định. Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và tích cực triển khai nhượng quyền thương mại cả trong nước và ra nước ngoài. Trung Nguyên được coi là đi tiên phong áp dụng hình thức kinh doanh này, tiếp đến là Phở 24. Bên cạnh đó còn có các thương hiệu khác như: Kinh Đô Bakery, thời trang Ninomax, Foci, giày dép T&T...

Cần hoàn thiện môi trường pháp lý
Mặc dù phát triển mạnh, nhưng hoạt động nhượng quyền thương mại thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Nhìn chung những quy định pháp luật quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ theo chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, một số quy định đã được ban hành cách đây khoảng 10 năm nên quá trình thực thi cho thấy không còn phù hợp nữa. Thông qua hội thảo, Vụ Thị trường trong nước mong muốn sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến thiết thực, khách quan của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời ghi nhận những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật để có những sửa đổi, cải cách phù hợp với thực trạng phát triển lĩnh vực thương mại ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ luật Phan Ngọc Tâm- Đại học Luật TP. HCM, hiện nay khung pháp lý về hoạt động nhượng quyền thương mại vẫn chưa bao phủ được hết  tất cả các khía cạnh của hoạt động nhượng quyền thương mại. Trong đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại còn chung chung, mức xử phạt thì gần như chỉ mang tính tượng trưng và không tương xứng với tính chất và quy mô của hoạt động nhượng quyền thương mại trên thực tế.
Hơn nữa, khung pháp lý về hoạt động nhượng quyền thương mại chưa thực sự bảo vệ bên nhận quyền trong giao dịch nhượng quyền thương mại. Cụ thể, nếu bên nhận quyền bị giải thể hoặc phá sản thì hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ được chấm dứt trước thời hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp bên nhượng quyền bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động thì chưa được quy định rõ ràng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian tới, xu hướng nhượng quyền thương mại sẽ ngày càng tăng, các thương hiệu sẽ lựa chọn đối tác nhận nhượng quyền hàng loạt, phương thức nhượng quyền lại (Refranchise) sẽ ngày càng phổ biến và phát triển. Đặc biệt, thị trường nhượng quyền về thức ăn nhanh sẽ phát triển mạnh, thị trường nhượng quyền các thương hiệu dịch vụ như giáo dục và y tế, vận tải sẽ tiếp tục hứa hẹn tại Việt Nam.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại Phạm Nguyên Minh, để hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam thực sự phát triển nhanh nhóng và chất lượng, cần thiết phải hoàn thiện môi trường pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn. Cùng với đó, cần nghiên cứu và hoàn thiện một số mô hình tổ chức hỗ trợ hoạt động nhượng quyền thương mại, cũng như tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động nhương quyền thương mại- TS. Phạm Nguyên Minh nhấn mạnh.
Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.