Công nghiệp hỗ trợ cần 'vườn ươm' hay “lồng ấp' để lớn mạnh

04/04/2016 05:17        
Mở nhà máy đã khó, duy trì và phát triển hoạt động càng khó hơn là thực trạng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Bởi vậy, đã có đề xuất, cần có mô hình “vườn ươm” hay “lồng ấp” để hỗ trợ DN lớn lên chứ không phải đơn thuần giúp sản sinh DN.  
Các doanh nghiệp CNHT đã phản ánh nhiều tâm tư tại Diễn đàn “Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” vừa diễn ra.



Mở rộng thị trường “đồng hành” với áp lực cạnh tranh
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp CNHT phát triển khi nâng cao được năng lực sản xuất, tiếp cận và mở rộng thị trường sản phẩm, không chỉ ở nội địa mà toàn bộ các thị trường quốc tế rộng lớn từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. “Đây là cơ hội để tiếp cận các công nghệ tiên tiến, hiện đại của các đối tác lớn cùng các nguyên vật liệu rẻ do giảm thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế của các nhà cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn đa quốc gia”- Thứ trưởng khẳng định.
Cùng chung quan điểm với Thứ trưởng về cơ hội gia tăng xuất khẩu sản phẩm CNHT, tuy nhiên, bà Trương Thị Chí Bình - Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp CNHT - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - lưu ý, hiện cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam rất tương đồng với ASEAN, Trung Quốc. Ngoài ra, mức độ tương đồng xuất khẩu với Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang gia tăng. Điều này đòi hỏi các DN phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm của mình. 
Không chỉ đối mặt với áp lực cạnh tranh, bà Bình còn nhận thấy những thách thức rất lớn về các rào cản phi thuế quan như về tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng xuất xứ hay các biện pháp phòng vệ thương mại trong hội nhập.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương cho biết, hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý tương đối hoàn thiện đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi cho ngành CNHT. Tiêu biểu, Luật Đầu tư 2014 và Luật Thuế Xuất nhập khẩu cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, DN CNHT được miễn 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp mức 10% trong 15 năm. Trong khi mức bình thường áp dụng cho các doanh nghiệp là 20%...
Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, văn bản pháp lý tốt chưa đủ, điều DN cần nhất là các cơ chế thực thi hiệu quả. Như PGS.TS Phan Đăng Tuất - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - khuyến nghị, Việt Nam sắp tới nên hình thành mô hình “vườn ươm” hoặc “lồng ấp” tương tự như "vườn ươm công nghệ" cho các DN sản xuất kinh doanh trong ngành CNHT. Trong "lồng ấp" ấy phải có các cơ chế hỗ trợ cụ thể riêng cho ngành công nghiệp này.

Đã hỗ trợ, phải hỗ trợ cả những đứa trẻ đã sinh ra!
Chia sẻ về những khó khăn thực tế của doanh nghiệp, ông Lê Thanh Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường - phản ánh, DN CNHT nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) gặp vô vàn thách thức. Đó không chỉ là thiếu vốn đầu tư, mặt bằng, công nghệ, phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu… mà còn có “nút thắt” về nguồn nhân lực. Theo ông Thủy, nhân lực của các DNNVV không những yếu về chuyên môn, thiếu khả năng quản lý, hiệu suất lao động thấp mà còn không ổn định. Quan điểm cá nhân của ông Thủy cho rằng "Nói lao động Việt Nam giá rẻ không hợp lý. Vì năng suất lao động thấp nên chi phí thực tế của DN bỏ ra để tạo ra sản phẩm lại cao hơn".
Cùng gặp khó khăn tương tự, ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Công ty VPMS, cho hay, DN khi thuê lao động thường phải tự đào tạo lại. Đào tạo lao động mất khoảng 2 năm, trong đó một năm đầu lao động làm được thì ít nhưng làm hỏng máy móc thì nhiều. Mặc dù vậy, DN vẫn phải trả lương. Đến năm thứ 2, khi lao động biết làm việc thì lại thấy chỗ khác lương cao nên thôi việc - ông Huy cho hay.
Bên cạnh đó, đại diện Trí Cường còn cho hay, đối với các DN CNHT tư nhân, khi lập nhà xưởng, vốn chủ yếu là tự có và vay của bạn bè, người thân. Để hoạt động và phát triển, khả năng tiếp cận vốn là việc rất khó. Nếu có, DN cũng phải chịu lãi suất rất cao.
Xuất phát từ những khó khăn thực tế nêu trên, các DN đề xuất, nếu Việt Nam xây dựng mô hình "vườn ươm" hay “lồng ấp” thì những mô hình này phải làm sao nuôi dưỡng được cả những DN đã sinh ra chứ không đơn thuần chỉ để sản sinh DN mới.
Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.