Bài học lớn trong lựa chọn dịch vụ vận chuyển

10/09/2016 22:05        
Việc hãng tàu Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đệ đơn phá sản đang mang đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) nước ta. Cùng với việc hỗ trợ DN giảm thiểu thiệt hại, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo: DN cần thận trọng và thay đổi cách thức trong việc lựa chọn dịch vụ vận chuyển.


Hãng tàu Hanjin đệ đơn phá sản gây thiệt hại không nhỏ cho DN Việt

Thiệt hại không nhỏ
Theo Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, khoảng 50 container hàng của các DN thủy sản do Hanjin vận chuyển vẫn lênh đênh trên biển. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, DN có hàng trên tàu chưa cập cảng đứng ngồi không yên vì không biết hàng đang ở đâu và xử lý ra sao? Thậm chí, nếu xử lý được cũng mất không ít thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.
Không chỉ ngành hàng thủy sản mà nhiều mặt hàng XK khác cũng bị ảnh hưởng. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) - cho hay, Hanjin là hãng tàu biển lớn nhất của Hàn Quốc và chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa của Việt Nam. Theo phản ánh của DN về Bộ Công Thương những ngày qua, ngành hàng có khối lượng XNK nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… hoặc ngành hàng đang XK đến thị trường mà Hanjin có tàu đi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… đều bị ảnh hưởng. Các cảng từ chối cung cấp dịch vụ đối với Hanjin, khi đó, khách hàng của Hanjin buộc phải chuyển hàng hóa sang container của các hãng tàu khác, dẫn đến tốn kém về chi phí thuê dịch vụ xếp dỡ cũng như các chi phí khác, nhất là khi hàng hóa còn đang ở các cảng trung chuyển nước ngoài hoặc trên đường chuyên chở. Nếu lô hàng lớn có thể phải cử cả đoàn công tác đến tận nơi để giải quyết sự vụ.
Đồng ý kiến với ông Trần Thanh Hải, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam (VLA) - nhận định: Hanjin dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam bởi đây là một trong 10 hãng tàu biển lớn trên thế giới đang cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa XNK của Việt Nam đi các tuyến châu Á, châu Âu, Mỹ… Thiệt hại đối với các khách hàng Việt Nam sử dụng dịch vụ của Hanjin chưa thể thống kê, nhưng chắc chắn là không nhỏ.

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp
Để giải quyết sự cố Hanjin, hiện nay, VLA đang tích cực cập nhật thông tin về Hanjin từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Thương vụ Việt Nam ở Hàn Quốc… để cung cấp và tư vấn, định hướng cho các hội viên xử lý tình huống.
Ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - cho biết: Ngay khi vụ việc xảy ra, Bộ đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tìm hiểu các quy định pháp luật, thông lệ và tập quán hàng hải quốc tế để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho DN XNK. Đến nay, có thể xác định tác động của vụ việc Hanjin đối với cảng biển của Việt Nam là không có, chủ yếu là ảnh hưởng tới DN XNK. Tại Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đang có 1.000 container hàng XNK thực hiện dịch vụ với Hanjin. Tổng công ty đã làm việc với các đại lý vận tải tàu biển thực hiện dỡ hàng và vận chuyển bằng hãng vận tải khác để đảm bảo tiến độ giao hàng.
Ông Trần Thanh Hải khẳng định: Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, cùng các cảng vụ tạo điều kiện cho các DN xử lý lô hàng bị ảnh hưởng bởi vụ việc Hanjin như rút hàng ra, chuyển đổi container hay tiếp nhận hàng về bị chậm trễ, đồng thời, đề nghị cảng vụ có ưu tiên sắp xếp xử lý để tránh ùn tắc. Về lâu dài, vụ việc của Hanjin khiến các DN phải rút ra bài học trong việc thận trọng hơn khi sử dụng các dịch vụ vận tải, bám sát và nắm bắt tình hình vận chuyển trên thế giới. DN phải theo dõi sát động thái các thông tin của các hãng tàu để lựa chọn dịch vụ phù hợp
VLA khuyến nghị, nếu hàng hóa các DN đã xác nhận với Hanjin nhưng chưa kịp bốc lên tàu thì cần nhanh chóng làm các thủ tục lấy lại, chuyển sang một hãng vận chuyển khác. Nếu hàng đã đến cảng chuyển tải, phối hợp với đại lý của mình làm thủ tục rút hàng chuyển sang hãng khác. Trường hợp hàng hóa đang trên tàu di chuyển đến cảng đích, có khả năng các nhà cung cấp dịch vụ cho Hanjin sẽ giam giữ phương tiện và thiết bị của Hanjin cho đến khi có người đứng ra thanh toán nợ cho họ, các chủ hàng cần theo dõi chặt chẽ với hãng tàu, phối hợp với đại lý về khả năng giải phóng hàng của mình sớm nhất có thể.
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm, các DN logistics Việt Nam cần thông báo cho chủ hàng (chủ hàng thông báo cho công ty bảo hiểm của họ) và tham vấn công ty bảo hiểm về hướng xử lý giảm nhẹ tổn thất (ví dụ tham vấn họ có đồng ý hỗ trợ chi phí rút hàng tại cảng chuyển tải hay không...).
Đến ngày 7/9, Tòa Bảo hộ phá sản Hàn Quốc (Court ReceiveShip) chưa có quyết định chính thức về Hanjin, nhưng đã có nhiều chủ nợ bắt giữ tàu của hãng này. Nhiều cảng cũng đã từ chối tiếp nhận, bốc dỡ đối với tàu của Hanjin.
Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.