Hội thảo APEC về “Xây dựng năng lực cho kỹ năng đàm phán sở hữu trí tuệ trong các FTA - giai đoạn 2”

28/11/2016 08:14        
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 29 – 30/11/2016.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng đàm phán một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán FTA, đặc biệt là đối với các FTA thế hệ mới, chất lượng cao của thế kỷ 21 - đó là lĩnh vực sở hữu trí tuệ (IPR).



Hội thảo thuộc khuôn khổ Sáng kiến về nhu cầu xây dựng năng lực, nhằm tăng cường hội nhập kinh tế khu vực của APEC do Hàn Quốc khởi xướng từ năm 2010 với sự tham gia, đóng góp tích cực của các thành viên APEC như: Hoa Kỳ, Việt Nam, Australia, Indonesia. Sáng kiến nhắm tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng lực đàm phán FTA giữa các thành viên APEC phát triển và đang phát triển; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình tham vấn, hoạch định chính sách và nghiên cứu các rào cản đối với khả năng triển khai đàm phán một Hiệp định Thương mại tự do của toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trong tương lai, sau khi mục tiêu Bogo đã được hoàn thành. Trong 6 năm qua, hàng loạt khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo chuyên đề đã được tổ chức tại các nền kinh tế thành viên APEC. Cách đây tròn 2 năm, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã tổ chức Khóa đào tạo thuộc giai đoạn 1 của sáng kiến về IPR này tại thành phố Đà Nẵng, tập trung vào những nội dung cơ bản trong đàm phán IPR thuộc các FTA. Bước tiếp theo, hội thảo trong hai ngày tới sẽ tập trung vào các nội dung chuyên sâu hơn trong từng lĩnh vực cụ thể thuộc IPR trong quá trình đàm phán các FTA như: Bản quyền thương mại, Chỉ dẫn địa lý, bằng sáng chế, dược phẩm, hợp tác cũng như kinh nghiệm trong quá trình dự thảo chương IPR trong các FTA, quá trình thực thi FTA và thực hành các bài tập có liên quan tới đàm phán nội dung quan trọng này...
Những năm gần đây, với tiến triển chậm chạp, sự bế tắc khó tìm được lối thoát của Vòng Doha trong đàm phán đa phương của WTO, tiến trình triển khai kết quả của các Hội nghị Bộ trưởng WTO (MC) tại Bali và Nairobi chưa cho thấy hiệu quả thực tế; các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới ngày càng nghiêng theo xu hướng chuyển sang tìm kiếm khả năng đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc nhiều bên để mở rộng giao dịch thương mại, đầu tư của mình với các đối tác tiềm năng trong và ngoài khu vực. Theo đó, bên cạnh những nội dung thương mại truyền thống như: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, v.v., nhiều nội dung mới cũng đã và đang được đưa vào chương trình nghị sự đàm phán các FTA, cụ thể là các nội dung: Lao động, công đoàn, môi trường, sở hữu trí tuệ. Trong đó, đàm phán lĩnh vực sở hữu trí tuệ là nội dung quan trọng trong các FTA, đã được đưa vào khoảng gần 200 chương hoặc điều khoản có liên quan của các FTA thời gian gần đây.
Xét sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế, sự khác nhau trong hệ thống quy định pháp luật cũng như thủ tục hành chính, mỗi nền kinh tế APEC đã, đang và sẽ theo đuổi những mục tiêu, chiến lược và kế hoạch của riêng mình trong quá trình đàm phán nội dung về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới. Các thành viên phát triển muốn tăng cường bảo hộ IPR, trong khi các thành viên đang và kém phát triển lại muốn có sự linh hoạt đối với nội dung này. Sự khác biệt về quan điểm đã khiến tiến trình đàm phán nội dung IPR càng trở nên phức tạp. Trong bối cảnh IPR là nội dung tương đối mới trong đàm phán các FTA, liên quan đến nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm như chỉ dẫn địa lý, bảo hộ dữ liệu xuyên biên giới..., một vài nền kinh tế APEC - đặc biệt là các thành viên đang phát triển - chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình đàm phán nội dung này. Chính vì vậy, việc xây dựng, nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm đàm phán IPR đối với các nội dung cụ thể trong các FTA là thực sự thiết thực, đúng đắn và là hoạt động thu hút được mối quan tâm lớn của toàn thể các thành viên APEC nói chung và của các thành viên đang phát triển nói riêng.


Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

“Là thành viên đang phát triển trong APEC, Việt Nam nhận thức rõ được khía cạnh này và đã tích cực nghiên cứu, xem xét và phối hợp với Indonesia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và New Zealand tổ chức hội thảo - giai đoạn 2, nhằm tăng cường năng lực đàm phán FTA về IPR cho các thành viên APEC” - ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – phát biểu.
Bên cạnh việc cập nhật những kiến thức chuyên môn về các chương và điều khoản sở hữu trí tuệ trong các FTA, điều quan trọng là các nền kinh tế có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm đàm phán cũng như các bài học về quá trình chuẩn bị trong và ngoài nước cho việc đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ cũng như việc thực thi nội dung này sau khi kết thúc đàm phán và hiệp định có hiệu lực.
Với các bài trình bày chuyên sâu của các chuyên gia và sự tham gia thảo luận tích cực của tất cả các đại biểu, hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia đàm phán, các nhà hoạch định chính sách, các học giả của Việt Nam cũng như của các nền kinh tế thành viên APEC trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu, bổ sung thêm sự hiểu biết về đàm phán nội dung IPR trong các FTA, từ đó nâng cao hiệu quả của đàm phán cũng như trong quá trình thực thi các quy định về sở hữu trí tuệ khi các FTA bắt đầu có hiệu lực. 
Theo baocongthuong.com.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.