Bộ Công Thương họp báo thường kỳ tháng 5/2014

04/06/2014 06:55        

        Ngày 2/6/2014, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2014. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã cung cấp các thông tin chung về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong tháng 5 năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2014.

 

        Về tình hình sản xuất, mặc dù tình hình biến động ở biển Đông có gây tâm lý tuy nhiên trong tháng 5 năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,0% so với tháng 4 năm 2014 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,8%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 10,4% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2013.

 

        Tính chung 5 tháng năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 5,2%). Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, sản xuất và phân phối điện tăng 10,6%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,1%.

        Tình hình tiêu thụ, Tháng 5 năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 16,3% so với tháng 4 năm 2013. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản (tăng 19,8%); sản xuất đường (tăng 14,7%); Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (giảm 1,0%); sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự (giảm 3,8%)...

        Tình hình tồn kho, tại thời điểm 01 tháng 5 năm 2014, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,0% so với thời điểm 01 tháng 4 năm 2014 (thấp hơn mức tăng 6,2% tại thời điểm 01 tháng 4 năm 2014 so với thời điểm 01 tháng 3 năm 2014) và tăng 12,6% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho cao là: sản xuất đường (tăng 16,0%); sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự (tăng 33,1%), sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 52,6%), sản xuất thuốc lá (tăng 157,7%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 48,0%), sản xuất sắt, thép, gang (tăng 21,9%)...

Tình hình nổi bật của một số ngành

        Ngành Điện: Bước vào tháng 5 năm 2014, tình hình nắng nóng đã diễn ra gay gắt trên cả nước. Dù vậy, với những phương án cấp điện cho mùa nắng nóng đã được chuẩn bị chi tiết từ đầu năm, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn đảm bảo điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho nhân dân. Điện sản xuất của cả nước tháng 5 năm 2014 ước đạt 12,10 tỷ kWh, tăng 10,5% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, điện sản xuất ước đạt 54,42 tỷ kWh, tăng 11,1% so cùng kỳ.

        Ngành dầu khí: Sản lượng một số sản phẩm chính ngành dầu khí đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ: dầu thô khai thác tháng 5 ước đạt 1,4 triệu tấn, bằng 100,6% so cùng kỳ, tính chung 5 tháng ước đạt 7,1 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ; sản lượng khí đốt thiên nhiên tháng 5 ước đạt 1,0 tỷ m3, tăng 3,7% so với cùng kỳ, tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng khí đốt đạt 4,5 tỷ m3, tăng 1,5% so với cùng kỳ; sản lượng khí hóa lỏng (LPG) tháng 5 ước đạt 62,9 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ, tính chung 5 tháng, sản lượng khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 314,3 nghìn tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

        Ngành Than và Khoáng sản: Than sạch khai thác của toàn ngành tháng 5 ước đạt 3,65 triệu tấn tăng 2,8% so với cùng kỳ 2013, tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng than sạch ước đạt 16,82 triệu tấn, bằng 94,8% so với cùng kỳ, giảm 5,2%.

        Ngành Thép: Lượng sắt thép thô ước đạt 277,9 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ; lượng thép cán ước đạt 319,2 nghìn tấn, tăng 25,3% so với cùng kỳ; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 317,7 nghìn tấn, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, lượng sắt thép thô đạt 1.095,2 nghìn tấn, giảm 10,3% so với cùng kỳ; thép cán đạt 1.424,4 nghìn tấn, tăng 25,3% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 1.400,4 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ.

        Ngành Phân bón và Hoá chất: 5 tháng đầu năm 2014, sản lượng phân đạm urê ước đạt 938,9 nghìn tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2013; phân NPK khoảng 970,9 nghìn tấn giảm 1,3% so cùng kỳ; phân lân (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam) đạt 677,4 nghìn tấn tăng 2,1% so với cùng kỳ; phân bón DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đạt 99,9 nghìn tấn, giảm 6,2%. Nhập khẩu phân bón 5 tháng đầu năm 2014 cũng giảm 7,0% về số lượng và giảm 30,6% về trị giá.

        Ngành Dệt may: Sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên tháng 5 ước đạt 27,2 triệu m2, giảm 5,4% so với tháng 4 năm 2014, tính chung 5 tháng ước đạt 129 triệu m2, tăng 17,1% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tháng 5 ước đạt 59,2 triệu m2, chỉ tăng 1,4% so với tháng 4, tính chung 5 tháng đạt 274 triệu m2, giảm 4,2% so với cùng kỳ. Sản lượng quần áo mặc thường tháng 5 ước đạt 244,2 triệu cái, tăng 2,7% so với tháng 4; tính chung 5 tháng ước đạt 1,16 tỷ cái, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 5 ước đạt gần 1,45 tỷ USD, giảm 8% so với tháng 4 năm 2014; tuy nhiên tính chung 5 tháng ước đạt 7,44 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ. 

        Ngành Thuốc lá: Sản lượng thuốc lá bao các loại tháng 5 ước đạt 376,2 triệu bao, giảm 18,4% so với tháng 5 năm 2013; tính chung 5 tháng ước đạt gần 1,77 tỷ bao, giảm 10,1% so với cùng kỳ.

        Ngành Bia, rượu, nước giải khát: Sản lượng sản xuất bia các loại tháng 5 ước đạt 286 triệu lít, tăng 22,3% so với tháng trước và tăng 7,4% so với tháng 5 năm 2013. Tính chung 5 tháng sản xuất bia các loại ước đạt 1,15 tỷ lít, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

        Các ngành khác, tháng 5 sản xuất tương đối ổn định, tuy nhiên sản xuất của một số ngành giảm so với tháng 5 năm 2013 (như: sản xuất đường, sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự...). Tính chung 5 tháng năm 2014, nhìn chung sản xuất các ngành có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.

        Về xuất khẩu, Tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,0 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng 4 và tăng 3,5% so với tháng 5 năm 2013. Tính chung 5 tháng năm 2014 ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 7,8 tỷ USD),

        Về kim ngạch xuất khẩu: Nhóm hàng nông lâm thủy sản 5 tháng năm 2014 xuất khẩu ước đạt 8,92 tỷ USD, chiếm 15,2% trong tổng KNXK, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013; Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 5 tháng năm 2014 ước đạt gần 4,0 tỷ USD, chiếm 6,8% trong tổng KNXK, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2013; Nhóm hàng công nghiệp chế biến 5 tháng năm 2014 ước đạt gần 42,4 tỷ USD, chiếm 72,4% trong tổng KNXK, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2013. Nhóm hàng hóa khác ước đạt 3,23 tỷ USD, tăng 22,6% và chiếm tỷ trọng 5,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

        Về nhập khẩu, tháng 5, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 4 và tăng 1,0% so với tháng 5 năm 2013. Tính chung 5 tháng năm 2014 ước đạt gần 56,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2013. Khi tăng trưởng sản xuất thì các DN nhập khẩu tăng phục vụ cho xuất khẩu.

        Về cán cân thương mại: Nhập siêu tháng 5 ước 400 triệu USD, bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 5 tháng 2014, xuất siêu khoảng 1,65 triệu USD, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 5,3 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 6,9 tỷ USD.

        Thị trường trong nước: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong tháng 5 ước đạt 240,27 nghìn tỷ đồng, tăng 1,38% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịnh vụ ước đạt 1.178,98 nghìn tỷ đồng tăng 11,01% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,99%.

        Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2014 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 1,08% so với tháng 12 năm 2013. Hầu hết các nhóm hàng hóa trong tháng có mức tăng nhẹ từ 0,02% đến 0,43%. Riêng nhóm lương thực (giảm 0,51%) và nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm (giảm 0,03%) so với tháng trước.

        Công tác quản lý thị trường: Kết quả thực hiện công tác quản lý thị trường 5 tháng đầu năm 2014 cụ thể như sau:

        Kết quả tháng 5 năm 2014: Theo báo cáo nhanh, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 13.000 vụ, xử lý trên 7.000 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 25 tỷ đồng.

        - Ước thực hiện 5 tháng: Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 66.180 vụ, xử lý trên 35.600 vụ vi phạm, với tổng số thu trên 152 tỷ đồng.

        Cũng trong buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện các cục, vụ chức năng đã cung cấp thông tin và giải đáp một số câu hỏi của các nhà báo:

    Phóng viên Xuân Tiến- Đài Truyền hình KTS VTC1

        Xin Bộ cho biết tình hình giao thương Việt Nam – Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến nay như thế nào?

        Phóng viên Phan Hồng Liên-Kênh Đối ngoại VTC10

        a. Đánh giá của Bộ Công Thương về tình hình thương mại Việt Nam – Trung Quốc sau các diễn biến mới trong tháng 5?

        b. Diễn biến Biển Đông có ảnh hưởng như thế nào đến các Doanh nghiệp Việt Nam? Giải pháp hạn chế thiệt hại.   

    Phóng viên Xuân Quảng- Báo điện tử Vietnam Plus

        Xin Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng như thế nào sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

        Có thể khẳng định, mặc dù có tình hình biến động tại Biển Đông từ đầu tháng 5/2014, quan hệ kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu (chính ngạch và tiểu ngạch) của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng, kể cả qua các cửa khẩu biên giới tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh... vẫn đang diễn ra bình thường. Hiện không có dấu hiệu đóng cửa, cản trở hoạt động giao thương tại đây. Tính trong 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,99 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 12,45 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

        Tình hình biến động tại Biển Đông có ảnh hưởng nhưng không lớn đến một số doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là yếu tố tâm lý. Tương tự như vừa qua, nhiều người dân Việt Nam bỏ tiền mặt ra mua ngoại tệ, vàng. Sau đó, giá vàng giảm mạnh làm thiệt hại cho người mua, mang lại lợi nhuận cho kẻ trục lợi. Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp thuộc Bộ và các Sở Công Thương trên toàn quốc quán triệt, phổ biến thông tin và có các biện pháp kịp thời động viên các doanh nghiệp yên tâm tiếp tục giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu với các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc. 

        Phóng viên Quang Phương- Báo Quân đội nhân dân: Nhiều người đã nói đến sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, nhất là đầu ra cho hàng nông sản. Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã làm gì và sắp tới sẽ làm gì để giảm phụ thuộc này và tìm đầu ra vững chắc, linh hoạt hơn cho hàng nông sản Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

        Không phải vì có sự biến động Biển Đông mà đến bây giờ Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương mới triển khai các chính sách, biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu đối với một thị trường nào đó.

        Đối với việc tìm đầu ra vững chắc, linh hoạt cho hàng nông sản Việt Nam: Hiện nay, chúng ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong vấn đề định hướng thị trường, và từ đó định hướng, kết hợp với người nông dân trong việc sản xuất, trồng trọt các sản phẩm về nông sản thông qua các Hợp đồng hợp tác, bao tiêu các sản phẩm. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tạo mọi điều kiện, môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản.

        Hiện nay, Bộ Công Thương tập trung vào việc mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu cho các mặt hàng thông qua đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều Hiệp định thương mại song phương khác; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; Tạo cơ chế thông thoáng trong việc quản lý xuất nhập khẩu; Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, về mặt hàng...

Phóng viên Xuân Quảng, Vietnam Plus

        Hiện Việt Nam đang nhập siêu rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Xin Thứ trưởng cho biết các giải pháp để hạn chế tình trạng trên?

Phóng viên Nguyên Long- Đài Tiếng nói VN (VOV):

        Liên quan đến giảm nhập siêu đối với Trung Quốc, các Đại biểu Quốc hội đang bàn thảo tại hội trường khẳng định nguyên nhân cơ bản là do chưa phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Vậy thời gian tới Bộ Công Thương có giải pháp đột biến nào cải tiến về phát triển công nghiệp hỗ trợ?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

        Không phải vì có sự biến động Biển Đông mà đến bây giờ Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương mới triển khai các chính sách, biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu đối với một thị trường nào đó. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam  cũng là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong các nước ASEAN với kim ngạch song phương tăng nhiều qua các năm. Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 50,21 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2012. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 13,25 tỷ USD, tăng 7,03%; nhập khẩu đạt 36,95% tỷ USD, tăng 28,3%. Và thực tế là hiện nay Việt Nam đang nhập siêu với giá trị lớn từ quốc gia rộng lớn này. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ TQ các nguyên vật liệu, máy móc... phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và phục vụ cho xuất khẩu, góp phần tạo ra quan hệ thương mại xuất siêu sang các thị trường khác, như:  Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

        Rõ ràng là, muốn giảm nhâp siêu từ TQ ta chỉ có cách tăng nhập khẩu và giảm nhập khẩu. Về Xuất khẩu, có thể nói thời gian vừa qua chúng ta đã làm khá tốt. 4 tháng đầu năm 2014 này kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là con số khá ấn tượng, vì từ trước đến nay nhiều người vẫn cho rằng chúng ta khó XK được sang thị trường Trung Quốc, vì nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh khi thâm nhập vào thị trường này bị cạnh tranh quyết liệt với giá rẻ hơn.

        Về NK, cần phải tăng cường sản xuất trong nước để thay thế nguyên vật liệu, phụ liệu, máy móc....cần phải nhập khẩu. Đặc biệt cần chú trọng đầu tư và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu từ nước ngoài.  

        Ngoài ra, một biện pháp rất quan trọng chúng ta đang triển khai quyết liệt là đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện Việt Nam với 90 triệu dân, nếu số đông người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì sẽ tạo ra kim ngạch, sức mua không nhỏ... Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo ra công ăn việc làm... Nhiều người dân Việt Nam hiện nay đang dùng gạo Thái Lan, ăn hoa quả nhập từ nước ngoài, sử dụng quần áo, đồ dùng... nhập khẩu rất đắt; Trong khi, nhiều mặt hàng Việt Nam hiện nay đang sản xuất được với chất lượng tốt, đã xuất khẩu sang nhiều thị trường đòi hỏi chất lượng rất cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... giá thành lại phù hợp. Chúng tôi mong các phóng viên, báo chí cùng doanh nghiệp Việt Nam đồng hành để khuyến khích, kêu gọi mọi người dân Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đây là hành động yêu nước trong thời điểm này mà ta có thể thực hiện được ngay.

        Từ trước đến nay, việc giảm nhập siêu đối với thị trường TQ đã được Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra nhưng nhiều cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và kể cả người dân vẫn chưa thực hiện quyết liệt. Tôi tin tưởng, các biến động từ đầu tháng 5 vừa qua là “cú hích” để chúng ta quyết tâm, đẩy mạnh hơn nữa, để chứng minh lòng yêu nước của mình bằng các hành động cụ thể thiết thực.

        Về công nghiệp hỗ trợ, ở Việt Nam hiện nay ngành công nghiệp này được nói đến nhiều nhưng thực tế chưa phát triển như mong đợi. Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách ưu tiên cho ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục trình để nâng thành Nghị định để có tính pháp lý cao hơn, trong đó đưa ra rất cụ thể những mặt hang nào, ngành nào cần có sự ưu tiên cụ thể. Hiện nay, trong quản lý nhà nước còn có cái chưa thống nhất trong quan điểm như vì sao đưa ra nhiều hỗ trợ như thế cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong khi rất nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được thực hiện. Ví dụ như hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chương trình XTTM quốc gia, rồi chương trình khuyến công… Tôi nghĩ là hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn cần nhiều hơn sự hỗ trợ của nhà nước hơn nữa, đặc biệt là trong ngành công nghiệp hỗ trợ cần có ưu đãi đặc biệt. Nếu chúng ta không làm được việc này thì khó phát triển ngành công nghiệp VN, rất khó giảm nhập siêu.

Phóng viên Nguyên Long- Đài Tiếng nói VN (VOV):

        a. Liên quan đến Quyết định 4887 của Bộ Công Thương về giá bán điện, kể từ 01/6 được xem thực chất là tăng giá chứ không phải giảm, trong đó có chia nhỏ ra đối với các đối tượng tiêu dùng điện, sử dụng dưới 100 số điện thì được lợi hơn, vậy bình luận của Bộ về việc này?

        b. Cũng liên quan đến giá bán điện, EVN cho biết kể từ ngày 01/6 giá điện biển đảo thống nhất với giá điện trên đất liền, vậy Quyết định 4887 về giá bán điện có được thực thi đối với đối tượng biển đảo hay không?

Phóng viên Vũ Thị Thúy Vân - Kênh truyền hình VTC:

         a. Có hay không việc Trung Quốc ngừng cung cấp điện cho Việt Nam trước căng thẳng trên biển hiện nay?

        b. Hiện nay Trung Quốc đang nắm các dự án Tổng sơ đồ điện 6 và Tổng sơ đồ điện 7 của Việt Nam. Tuy nhiên, cả 2 dự án này đều đang chậm tiến độ. Vậy ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào?Bộ có những giải pháp như thế nào về vấn đề này?

Phóng viên Quỳnh Trang - Báo Lao Động:

        Việc điều chỉnh giá điện từ ngày 01/6/2014 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số CPI? Từ nay đến cuối năm sẽ có cuộc điều chỉnh nào không?

 Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Định Thế Phúc trả lời:

        Quyết định điều chỉnh giá điện từ 01/6: Tôi khẳng định là 01/6 không có sự điều chỉnh giá điện, mức giá điện bình quân vẫn là 1.558 đồng. Thực chất, việc điều chỉnh giá điện ngày 01/6/2014 là điều chỉnh từng mức giá bán lẻ một phù hợp với Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 07/4/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/QĐ-TTg về cơ cấu bán lẻ điện. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 268/QĐ-TTg trước đây ban hành năm 2011. Với việc ban hành Quyết định 28/QĐ-TTg này có hiệu lực từ 01/6/2014, chính vì thế, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 và Quyết định số 4887/QĐ-BCT, thực chất việc này là điều chỉnh mức giá bán lẻ cho phù hợp với Quyết định số 28/QĐ-TTg. Điều này hoàn toàn không có sự điều chỉnh giá điện. Điều chỉnh cơ cấu biểu giá chắc chắn là có thành phần tăng và thành phần giảm chủ yếu là thành phần thiết yếu. Thứ nhất là điều chỉnh về điện sinh hoạt. Thứ 2 là điện cho kinh doanh sẽ giảm so với Quyết định 268/QĐ-TTg trước đây cũng như Thông tư 19/2013/TT-BCT hiện nay đang áp dụng trước ngày 01/6. Thứ 3 là đối với thành phần sản xuất, các đối tượng sản xuất trong khung giờ bình thường thì hoàn toàn không tăng.

        Liên quan đến giá điện cho biển đảo, từ 01/6 người dân cũng như doanh nghiệp sản xuất ở huyện đảo đều được áp dụng như giá điện ở đất liền. Giá điện ở khu vực biển đảo mặc dù được trợ giá nhưng vẫn cao. Tuy nhiên, từ 01/6 giá ở khu vực biển đảo áp dụng như giá ở đất liền.

Việc điều chỉnh ngày 01/6 không phải là điều chỉnh giá nên không ảnh hưởng đến CPI. Việc điều chỉnh giá điện hay không thì Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 69/QĐ-TTg và Quyết định 28/QĐ-TTg thì việc điều chỉnh thực hiện giá điện thực hiện theo hai Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ.

        Liên quan đến vấn đề tình hình cung ứng điện, đối với giai đoạn ngắn hạn hiện nay, việc thực hiện cam kết dự án trong Tổng sơ đồ điện đối với việc cung cấp điện trong mùa khô, trước mắt là chưa thực hiện được. Về lâu dài, việc thực hiện giai đoạn Tổng sơ đồ điện của các nhà máy, Tổng cục Năng lượng đã làm việc với EVN và nhà thầu để có những biện pháp thúc đẩy và giữ được tiến độ của các dự án nguồn điện.

        Việc cung cấp điện năm 2014, ngoài việc chuẩn bị kế hoạch từ cuối năm 2013, ngày 21/5/2014 Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 17/CT-BCT về cung ứng điện và vận hành hệ thống điện. Bộ đã chỉ đạo EVN thường xuyên theo dõi tăng trưởng truyền tải, cũng như diễn biến của thủy văn, xây dựng phương án điều tiết hồ thủy điện một cách hợp lý, duy trì mức nước hợp lý cho việc cung ứng điện. Yêu cầu các nhà máy phát điện sẵn sàng chạy dầu, huy động trong những thời điểm cần thiết với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho lưới điện quốc gia, cho việc phát triển kinh tế xã hội, sinh hoạt người dân được đảm bảo. Tất nhiên việc này trừ trường hợp bất khả kháng, nói chung là đảm bảo cung ứng điện cho năm 2014.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

        Thứ nhất, tôi có thể khẳng định, trước mắt chưa tăng giá điện.

        Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời trước Quốc hội, Chính phủ và toàn dân, năm 2014 sẽ không thiếu điện.

        Thứ ba, để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... cho những năm tới, nhiều dự án đang đựơc triển khai. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với EVN, các cơ quan có liên quan, địa phưong... để đảm bảo các dự án này sẽ đưa vào sử dụng cung cấp điện theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra.

Phóng viên Cầm Văn Kình - Báo Tuổi trẻ: So sánh biểu giá bán lẻ điện mới với biểu giá cũ thì hỗ trợ cho người nghèo giảm hẳn, tổng thể chung người nghèo phải trả tăng thêm so với biểu giá cũ? Bình luận của Bộ Công Thương về việc này?

        Tính toán mức giá điện, cơ sở nào để Bộ đề xuất để điều chỉnh giá bán khi ở một số mức người dân chịu tăng giá còn doanh nghiệp lại được giảm? Nếu cơ bản giá điện không tăng thì có nghĩa là người này bù cho người kia? Ý kiến của Bộ Công Thương?

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Định Thế Phúc trả lời:

        Cơ cấu đưa ra giá bán lẻ là theo Quyết định 28/QĐ-TTg, chúng tôi có cập nhật cơ cấu sản lượng tiêu thụ điện 2013 và quý 1, quý 2 năm 2014 để tính toán lại để vẫn đảm bảo giá bán bình quân như trước. Trong cơ cấu mới này thì cũng có mức giảm có mức tăng, ví dụ giá bán điện cho sản xuất giờ thấp điểm tăng, điện cho hành chính, nông nghiệp gộp lại nên cũng có tăng. Tuy nhiên, điện sinh hoạt giảm và điện cho kinh doanh cũng giảm chút ít.

        Việc cung cấp điện sẽ đảm bảo đủ cho năm 2014. Đối với Tổng sơ đồ điện 6 và 7 có nhiều dự án, có dự án Trung Quốc tham gia cung cấp cho vay vốn nhưng cũng có dự án Trung Quốc không tham gia.

Phóng viên Tuấn Ngọc – Báo Thương hiệu & Công luận:

         a. Để minh bạch hóa trong việc kinh doanh xăng dầu, tại sao Việt Nam không đấu thầu quốc tế?

         b. Theo ông, có nên chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho Bộ Tài chính và Kho bạc nhà nước quản lý? Quỹ dự trữ xăng dầu Quốc gia giao cho Cục Dự trữ xăng dầu Quốc gia quản lý, điều tiết hay không?

        c. Nhiều năm qua, vấn đề hạch toán giá, phí đại lý đều được Nhà nước giao cho doanh nghiệp tự hạch toán, quản lý và điều phối… khiến Nhà nước thâm hụt về ngân sách, người dân mất tiền do phải mua giá cao. Quan điểm của Lãnh đạo Bộ Công Thương như thế nào nếu vần đề hạch toán giá và phí đại lý chuyển về Bộ Tài chính quản lý?

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền trả lời:

        Hiện nay, Việt Nam đang mua bán xăng dầu giống như các nước theo thông lệ quốc tế qua sàn giao dịch xăng dầu. Tại sàn giao dịch, hàng ngày người mua và người bán gặp nhau, chốt giá trên sàn, công khai minh bạch. Những người mua trong đó có người mua Việt Nam chào, người bán trên sàn chốt giá, lượng bán, tiền bán, giá, giao dịch vận chuyển theo nguyên tắc. Hiện nay, việc này hoàn toàn công khai minh bạch. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng sàn flat ở Singapore- nơi phần lớn sử dụng giao dịch của Việt Nam.

        Về Quỹ bình ổn hiện nay đang được Bộ Tài chính quản lý. Theo thiết kế của Nghị định 84 thì để tại DN. Bởi vì khi cần thủ tục liên Bộ thấy rằng, lấy ý kiến trong vòng 02 ngày, cần phải xả quỹ thì phải có quyết định ngay. Quyết định ngay thì sẽ được thực hiện ngay. Còn việc thực hiện sẽ kiểm tra hậu kiểm sau.

        Nếu để ở Kho bạc cũng có cái hay là để quản lý, nhưng thủ tục giải ngân kho bạc không phù hợp với tiến độ của thị trường. Nếu để tại ngân hàng, tạo tài khoản riêng, được sử dụng bao nhiêu, chi bao nhiêu thì Bộ Tài chính chủ trì. Có để ở đâu thì ai là người quyết định xử lý vẫn do Bộ Tài chính chủ trì.

        Về dự trữ quốc gia: Trong quyết định của chương trình chung an ninh năng lượng, có 2 loại là dự trữ: dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông. Hai cái đấy cộng lại tạo ra dự trữ an ninh năng lượng. Hiện nay, dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính phụ trách. Vì điều kiện xăng dầu, điều kiện đầu tư vào kho tải riêng chưa có. Thứ 2 là khả năng ngân sách chưa có cho nên hiện nay đang phân bổ dự trữ quốc gia để ở tại DN. Còn sử dụng dự trữ quốc gia như thế nào, Quỹ dự trữ quốc gia nắm. Dự trữ này theo quy luật của Luật Dự trữ quốc gia. Hiện tại, dự trữ này không tham gia hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, do nguồn lực còn hạn chế, số ngày mà giữ được của Quỹ quốc gia bỏ ra còn quá ít. Nghị định trước đây là nghị định 55 sau này là Nghị định 84, tiếp theo nữa là có quyết định. Vì vậy có yêu cầu với nền kinh tế có quy mô quốc gia như hiện nay thì tối thiểu là 30 ngày. Ví dụ thiên tai, chiến tranh, khó khăn về nguồn cung… thì kịp ứng về chi. Bởi vì xăng dầu có nhiều biến động, làm sao lượng dự trữ cho đất nước đủ sử dụng trong vòng 30 ngày. Ở các nước có điều kiện tốt hơn thì lượng dự trữ cao hơn. Tuy nhiên do năng lực của DN, năng lực của Nhà nước chưa ở mức đấy cũng như quy mô kinh tế, hiện tại giao cho DN thực hiện chức năng này. Đấy là lý do chứ không phải do DN muốn dự trữ, Nhà nước yêu cầu DN dự trữ bởi lý do về năng lượng.

    Phóng viên Hoài Thu – Báo điện tử Infornet: Sắp tới, việc điều hành giá xăng đầu sẽ trao về Bộ Công Thương. Có ý kiến cho rằng, khi trao về Bộ Công Thương, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn thuộc Bộ, Bộ Công Thương sẽ ưu ái cho các “con’” của mình. Quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào? Trước nay, Bộ Tài chính vẫn bị kêu ca thường tăng hoặc giảm vào “giờ hiểm” như giữa trưa, đêm hôm. Khi trao quyền điều hành sang Bộ Công Thương thì liệu có những luật tăng giá vào “giờ hiểm” hay không?

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền trả lời: Trước hết, Bộ nào chủ trì thì Bộ khác cùng phối hợp. Nguyên tắc chủ trì phối hợp là quy định của Luật pháp. Dù Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính đều là quản lý của Nhà nước và phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Cho nên, điều không thay đổi nhưng mỗi Bộ và trong quá trình đang triển khai phải phối hợp lẫn nhau. Còn việc chủ trì cũng như sửa đổi, thay thế Nghị định thì hiện nay Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện khâu điều chỉnh do Chính phủ đề ra. Vì thế, không ngại chuyện đó.

        Gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra chỉ thị minh hoạch hóa thông tin trong điều hành kinh doanh xăng dầu và điện. Tất cả các cơ chế như vậy đủ để kiểm soát, đủ để giám sát, xã hội cũng giám sát, các bộ ngành giám sát, người trong bộ máy ấy buộc phải tuân thủ theo Luật pháp. Nếu làm sai phải chịu hình thức kỷ luật theo Quy định của Luật pháp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

        Xăng dầu là một vấn đề nhạy cảm, được dư luận, nhân dân rất quan tâm.  Nghị định 84 được ban hành từ tháng 12/2009, vì vậy đã bộc lộ một số bất cập. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan sửa đổi Nghị định. Nghị định đã đựoc soạn thảo kỹ lưỡng theo đúng quy định hiện hành, Bộ Công Thương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, xin ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, lấy ý kiến rộng rãi của người tiêu dùng... Có thể nói, sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với Bộ Tài chính từ trước đến nay rất tốt và trong việc soạn thảo Nghị định này cũng không phải là ngoại lệ

        Các phóng viên hỏi sắp tới như thế nào? Hiện nay, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã đề xuất Dự thảo Nghị định lên Chính phủ. Có thể khẳng định, các lãnh đạo của Chính phủ hết sức quan tâm, nhiều lần họp và chỉ đạo về các nội dung của Dự thảo Nghị định. Ngày mai, 03/6/2014, Thường trực Chính phủ sẽ họp xem xét, quyết định về vấn đề này. Sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ sẽ thực hiện theo các nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định.

        Tôi tin tưởng, Nghị định mới sẽ có những bước tiến:

        Thứ nhất, hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trưòng có sự quản lý của Nhà nước, phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (tăng số lượng đầu mối phân phối xăng dầu...)

        Thứ hai, tăng cường tính cạnh tranh, công khai hóa, minh bạch hóa trong kinh doanh xăng dầu; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, chất lượng, đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường và dự trữ lưu thông theo quy định (cung cấp thông tin về giá thành xăng dầu trong và ngoài nước, cách tính giá thành...) 

        Thứ ba, phục vụ quyền lợi người tiêu dùng được tốt hơn.

        Thứ tư, bổ sung thêm một số nội dung quan trọng cần thiết.

Phóng viên Ngô Quỳnh - Truyền hình Thông tấn: Vụ Hè – Thu sắp bắt đầu ở các tỉnh phía Nam và hiện các tỉnh miền Trung Tây Nguyên vẫn cần phân bón cho cây công nghiệp. Nhận định của Vụ Thị trường trong nước về phân bón vụ Hè – Thu. Giá cả năm nay như thế nào? Liệu có tình trạng tăng giá?

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền trả lời: Nhận định chung về tổng cung cầu thì khả năng tăng giá là khó. Trước đây khi chưa sản xuất đảm bảo phân như DAP, đạm, thì rõ ràng ảnh hưởng từ nhập khẩu. Nhập khẩu từ biên giới phía bắc. Trước đây vào vụ thì nước XK bắt đầu tăng giá, dẫn đến đội giá lên.

        Nhưng sau khi PVN đưa vào Đạm Phú  Mỹ, Đạm Cà Mau, Tập đoàn Hóa chất đưa Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, cũng như xây dựng nhà máy NPK, tổng thể chung, trừ phân đặc chủng- khoảng số lượng không nhiều 6-8 ngàn tấn thì phần lớn cơ bản đảm bảo. Gần đây các vụ mùa hè thu, thu đông, đông xuân gần đây, mặc dù vào vụ nhưng giá phân bón gần như không có sự tăng theo quy luật trước đây. Nhìn vào tổng thể cung cầu của thị trường thì không có sự tăng giá.

 Phóng viên Mai Hương – Báo Nông thôn ngày nay: Các Doanh nghiệp thép đang kiến nghị lên Hiệp hội Thép và Bộ Công Thương về việc cho rằng cấm xuất khẩu quặng sắt chỉ mang lợi ích cho Tập đoàn Hòa Phát. Tập đoàn Hòa Phát mua quặng rẻ trong nước, bán sản phẩm với giá thấp, khiến doanh nghiệp Thép khó cạnh tranh. Xin Bộ cho ý kiến.

 Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bùi Quang Chuyện trả lời:

        Thực hiện quản lý khoáng sản không tái tạo, Chính phủ đã có Chỉ thị 02 trong đó quặng sắt bị dừng hẳn xuất khẩu. Do vậy thẩm quyền cấm xuất khẩu thuộc về Chính phủ, không liên quan tới Hòa Phát. Đối với giá quặng, Bộ Công Thương đã có 2 cuộc họp về cung cầu quặng sắt với thành phần là DN khai thác quặng và DN luyện kim để đưa ra giải pháp tháo gỡ với giá bán trên cơ sở thỏa thuận giữa người bán và mua, các bộ ngành không can thiệp về giá cả. Vì thế, không đúng khi nói Hòa Phát ép giá quặng sắt. Đối với khả năng cạnh tranh, hiện Việt Nam có 3 doanh nghiệp sản xuất phôi thép từ quặng sắt với 850 ngàn tấn/năm, Thái Nguyên 200 ngàn tấn/năm, Hằng Nguyên 150 ngàn tấn/năm.

        Các doanh nghiệp sản xuấ thép từ quặng chủ động được nguồn nguyên liệu, giá lợi thế hơn giá bán quặng xuất khẩu nên các DN được mua rẻ hơn. Chi phí sản xuất 1 tấn phôi thép rẻ hơn 1 tấn phôi thép từ thép phế 1 triệu đồng. Vì thế Hòa Phát có lợi nhuận cao khi chế biến. Không thể nói DN lợi dụng giá rẻ làm khó cho các doanh nghiệp luyện thép. Bộ Công Thương khuyến khích các DN sản xuất phôi thép từ quặng để chủ động được nguồn phôi thép và sử dụng được nguồn tài nguyên sẵn có. 

Phóng viên Xuân Tiến – Đài Truyền hình KTS VTC1:     

     a. Bộ có biện pháp gì để giảm phụ thuộc nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc?

        b. Trước mắt Bộ có sự hỗ trợ như thế nào trong việc tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam (những nông sản trước đây xuất sang Trung Quốc là chủ yếu)

Phóng viên Quỳnh Trang - Báo Lao động: Thứ trưởng cho biết đánh giá về kim ngạch nhập siêu Việt Nam – Trung Quốc sau khi có biến động trên biển Đông? Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường này sẽ dẫn đến những biến động như thế nào trong quan hệ thương mại hai nước?

 Phóng viên Nguyễn Nhung- Truyền hình CAND: Theo quy đinh, các website thương mại điện tử phải làm thủ tục thông báo và đăng ký nhưng hiện nay còn nhiều trang thương mại điện tử chưa thực hiện. Vậy quy định xử phạt với các website này ra sao?

Phó Cục trưởng Cục TMĐT&CNTT Nguyễn Thế Quang trả lời:

Thời gian qua thương mại điện tử có sự phát triển, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TMĐT là Nghị định 52 và Thông tư 12. Đến 31/12/2013, chúng tôi nhận được 2.200 yêu cầu đăng ký và thông báo; 5 tháng đầu năm nhận được 6.000 yêu cầu thông báo và đăng ký. Đã xử lý nhiều hiện tượng không đăng ký, phối hợp với quản lý thị trường, và PC50 để xử lý. Việt Nam hiện có hàng chục ngàn website thương mại điện tử nhưng mới chỉ nhận được đăng ký của hơn 6.000 đăng ký. Đây là lĩnh vực mới nên Cục sẽ làm trọng điểm và làm dần để thực hiện quản lý tốt trong thời gian tới.

Phóng viên Minh Hà - Truyền hình thông tấn:

a. Công tác kiểm soát buôn lậu thuốc lá hiện nay như thế nào?

b. Quản lý thị trường xe máy điện hiện nay, từ nay việc kiểm soát chặt hóa đơn chứng từ chống nhập lậu xe đạp điện? Vừa qua, Thông tư 15 quy định đăng ký xe máy điện trong đó có hóa đơn chứng từ đầy đủ mới có thể đăng ký, ý kiến của ngành quản lý thị trường?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Về công tác kiểm soát buôn lậu thuốc lá: Thứ 6, ngày 23/5/2014, tôi đã tham gia Chương trình tiêu điểm kinh tế của Truyền hình thông tấn, tôi đã trao đổi rất rõ về vấn đề này, phóng viên có thể tham khảo để biết cụ thể.

Quản lý thị trường xe máy điện hiện nay, việc kiểm soát hóa đơn... đây là vấn đề hết sức cụ thể. Phóng viên có thể gặp anh Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường để trao đổi cụ thể

                                                        Theo Baocongthuong.com.vn

 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.