Nguyên nhân gốc rễ và những việc cần làm ngay

17/11/2016 13:22        
Ngay sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài “Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng-vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta”, nhiều đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý ở cơ quan trung ương và địa phương, nhiều bạn đọc xa gần đã bày tỏ sự quan tâm, ủng hộ và thẳng thắn chia sẻ quan điểm, chính kiến về vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu những quan điểm, chính kiến rất thẳng thắn, mới mẻ, đầy trách nhiệm, có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.

Bàn về nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đã dành nhiều thời gian phân tích, nhận diện nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh nội sinh trong Đảng; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ tính cấp bách phải hành động ngay, hành động quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ từ “căn bệnh” nguy hại này.

Thành-bại bắt đầu từ cán bộ và công tác cán bộ

Phóng viên (PV): Được biết, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đang diễn ra tại Hà Nội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, quyết nghị các vấn đề liên quan đến sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Thưa đồng chí, tại sao lần này Trung ương lại tập trung bàn vấn đề này và xem đây là một trong những phần việc hệ trọng của Đảng?
GS, TS Phùng Hữu Phú: “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là thuật ngữ không hề xa lạ, xuất hiện phổ biến trong thời gian gần đây. Thế nhưng, việc Đảng đưa các thuật ngữ này vào diễn đàn chính trị chính thức, nhất là sử dụng trong văn kiện của Đảng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có căn nguyên của nó.
Đại hội XII của Đảng đặt lên hàng đầu mục tiêu “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”; xác định “tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng; trong đó có nhiệm vụ phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và ở thời điểm hiện tại, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) tiếp tục đưa vấn đề phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Điều đó cho thấy: Vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là vấn đề vô cùng hệ trọng; là “căn bệnh” đang diễn ra phức tạp trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; là thực trạng cần sớm được thẳng thắn nhận diện, đánh giá khách quan, đầy đủ để có giải pháp hữu hiệu và quyết tâm hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi trước khi quá muộn.
Như đã biết, nguy cơ tha hóa của Đảng Cộng sản khi trở thành đảng cầm quyền; nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên cộng sản khi đã trở thành người lãnh đạo xã hội, đã được các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm. Khi nước ta đi vào phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nguy cơ tha hóa quyền lực, tha hóa lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tăng hơn nhiều lần. Từ trước, Đảng vẫn luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thế nhưng có thời điểm, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc mức độ và sự nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, do vậy, thiếu quyết tâm chính trị và các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi. Hạn chế kéo dài này làm cho sự tha hóa quyền lực, suy thoái đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mang tính chất cá nhân đã lây lan, phát triển thành sự tha hóa mang tính tập thể. Và một khi “tự chuyển hóa” đã có “tổ chức”, đã liên kết thành hệ thống thì tổn hại về nhiều mặt tăng gấp nhiều lần, diễn ra trên diện rộng; việc phát hiện, đấu tranh khắc phục, triệt tiêu cũng sẽ vô cùng khó khăn. Chính vậy, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) tập trung thảo luận, quyết nghị và sẽ ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm cần kíp không thể chậm trễ, thể hiện quyết tâm và nhận thức nhất quán của Đảng.
Một góc Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh: TTXVN. 

PV: Giáo sư vừa nhắc đến yếu tố kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế tác động và làm gia tăng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Liệu đây có phải là nguyên nhân chủ yếu?
GS, TS Phùng Hữu Phú: Không hoàn toàn như vậy. Thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan; có nguyên nhân sâu xa lẫn nguyên nhân trực tiếp. Văn kiện Đại hội XII của Đảng và Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã phản ánh, chỉ ra khá đầy đủ, sâu sắc những nguyên nhân đó.
Ở đây, tôi xin tiếp cận vấn đề một cách hết sức dân dã, dễ hiểu và thẳng thắn. Theo đó, có thể chỉ ra rằng: Chính những yếu kém trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là nguyên nhân gốc rễ nhất-là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, hay “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” cũng là vì thế!
Hay nói theo cách khác, nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ tốt sẽ không có “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và nếu chúng ta chưa làm tốt công tác tổ chức cán bộ thì sẽ không bao giờ có đội ngũ cán bộ tốt. Thậm chí, những yếu kém trong công tác cán bộ sẽ dẫn tới việc xuất hiện ngày càng nhiều trong hàng ngũ của chúng ta những cán bộ kém, yếu, thậm chí là cán bộ xấu. Bởi thế, có thể chỉ ra 3 nguyên nhân (từ góc độ lý luận) của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gồm: 1. Sự tha hóa quyền lực và yếu kém trong việc kiểm soát quyền lực; 2. Yếu kém bất cập của công tác tổ chức cán bộ; đặc biệt là khuyết điểm của việc giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt các cấp; 3. Chưa thật sự dựa vào dân, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đây là những nguyên nhân rất cụ thể, nhưng xét đến cùng đều là hệ lụy của những hạn chế, yếu kém từ công tác tổ chức cán bộ mà ra. Nếu không có cán bộ tha hóa thì cũng chẳng cần kiểm soát quyền lực, giám sát “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nếu công tác giáo dục, quản lý cán bộ khoa học, chặt chẽ, hiệu quả thì chắc chắn sẽ không có “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hoặc nếu cán bộ giữ vững bản chất cách mạng, thực sự là công bộc của dân, thì không thể có chuyện người dân đứng ngoài, vô cảm, thờ ơ trước công việc hệ trọng của Đảng. Như vậy, trăm sự chủ yếu là do cán bộ “tốt hay kém” và công tác tổ chức cán bộ đạt hiệu quả, chất lượng đến đâu.

PV: Như vậy, yếu kém từ công tác tổ chức cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân?
GS, TS Phùng Hữu Phú: Như tôi vừa lý giải khá cụ thể ở trên, đây là một sự thật mà chúng ta phải khách quan nhìn nhận, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, nghiêm khắc đấu tranh để nâng cao chất lượng công tác đặc biệt quan trọng này. Và có vậy, gốc rễ vấn đề mới được giải quyết triệt để.
Chúng ta hiểu rằng, Đảng lãnh đạo cách mạng bằng Cương lĩnh, đường lối. Nhưng để có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng và thể hiện sinh động, hiệu quả trong thực tiễn, phải có đội ngũ cán bộ tốt. Nói cách khác, cán bộ chính là người hoạch định, kiến tạo đường lối của Đảng và cũng là người trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối đó. Vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng 86 năm qua, ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là vấn đề trọng yếu, khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đồng thời, là nhân tố quyết định sự tồn vong của chế độ, sự thành bại của cách mạng Việt Nam.
Những năm gần đây, chúng ta cũng không xa rời tư tưởng và tinh thần đó. Thậm chí Trung ương còn quyết liệt đấu tranh, kiên quyết, kiên trì chỉ đạo phần việc hệ trọng này. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức Đảng đã rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều kết luận, quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng, góp phần quan trọng vào chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng. Tuy vậy, cũng thẳng thắn thấy rằng, việc đổi mới mạnh mẽ các khâu, các bước của công tác cán bộ còn chậm, có lúc còn lúng túng, hiệu quả chưa đáp ứng kịp đòi hỏi của thực tiễn cách mạng.
Từ năm 1975 đến nay, công tác tổ chức cán bộ tuy đã được quan tâm, đã có nhiều đổi mới, song nhìn tổng thể đổi mới tổ chức cán bộ còn chậm so với đổi mới kinh tế; đổi mới mang tính bộ phận, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, chuyển biến ngày càng nhanh của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cho đến nay, các khâu trong quy trình công tác cán bộ còn nhiều yếu kém, bất cập: Đánh giá cán bộ vẫn còn là khâu yếu; chưa có cơ chế hiệu quả để phát hiện, trọng dụng người tài, loại bỏ kịp thời những người yếu kém, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển, chạy khen thưởng, chạy tội... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những tiêu cực trong lựa chọn cán bộ: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ” vẫn xảy ra. Năng lực lãnh đạo và sức chiến dấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn thấp, quản lý đảng viên chưa chặt chẽ; chế độ trách nhiệm không rõ ràng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu… Chính vì thế, bộ máy của hệ thống chính trị rất lớn, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức rất đông nhưng không mạnh; nhiều khuyết tật của tổ chức, tật bệnh của cán bộ chậm được khắc phục, ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Nói cụ thể hơn, hiện tại chúng ta đã có một quy trình tròn khâu, bài bản, hệ thống; nhưng xem ra quy trình này đã quá cũ, đã “nhờn thuốc” và thậm chí đã bị lợi dụng như một “công cụ” cho những toan tính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; mà biểu hiện rõ nhất là việc “lũng đoạn” công tác cán bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong một số khâu công tác cán bộ ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên chậm được khắc phục đã gây hậu quả về nhiều mặt, đáng lo ngại là sự giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp.

Kiên quyết, kiên trì, nhưng phải đột phá, giải quyết dứt điểm những việc trọng yếu

PV: Với vai trò, chức năng cơ quan tư vấn cho Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những tư vấn cụ thể gì về giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”?
GS, TS Phùng Hữu Phú: Trước hết, chúng tôi hoàn toàn tán thành với hệ thống các chủ trương, giải pháp Trung ương đã xác định, triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Chúng ta biết rõ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ trọng tâm số một trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu ra 10 nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới; đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là “kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)".
Đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân cho rằng: 10 nhiệm vụ nêu trong Văn kiện Đại hội XII là rất đầy đủ, toàn diện, đúng đắn, vấn đề bây giờ là xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thật tốt sẽ làm chuyển biến cơ bản tình hình. Bốn nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là rất đúng, rất trúng và vẫn còn nguyên giá trị. Yêu cầu đặt ra là phải rà soát và triển khai ngay những công việc mà nghị quyết đã nêu ra, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện (qua rà soát, còn 12 công việc đã được xác định trong nghị quyết nhưng chưa được thực hiện). Cùng với đó, cần đánh giá nghiêm túc giải pháp nào, công việc nào tuy đã triển khai nhưng làm chưa đến nơi, chưa đạt hiệu quả thì tập trung chỉ đạo làm triệt để, có kết quả rõ nét. Qua rà soát, cần thiết thì bổ sung giải pháp mới hoặc hoàn thiện những giải pháp đã có, để bảo đảm các giải pháp phải cụ thể, khả thi.

PV: Đó là những giải pháp cơ bản, toàn diện và lâu dài, ở đây chúng tôi lại rất quan tâm đến các nhóm giải pháp cụ thể-những việc cần làm ngay để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng?
GS, TS Phùng Hữu Phú: Đây là vấn đề khó, Trung ương lần này sẽ họp bàn, quyết nghị. Khi Báo cáo Tư vấn với Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương thống nhất quan điểm, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, nhưng phải đặc biệt quan tâm đến ba nhóm giải pháp có ý nghĩa đột phá sau đây:
1. Nhóm giải pháp kiểm soát chặt chẽ quyền lực, nghiêm trị những hành vi lạm dụng quyền lực, vi phạm Điều lệ Đảng, luật pháp của Nhà nước.
2. Nhóm giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; khắc phục yếu kém trong công tác cán bộ; nhất là giáo dục, quản lý cán bộ.
3. Nhóm giải pháp phát huy vai trò của nhân dân, thật sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Ở đây, xin được nói sâu hơn nhóm giải pháp quan trọng nhất, cũng là vấn đề các đồng chí quan tâm xuyên suốt trong cuộc trao đổi lần này. Ấy là các giải pháp trong công tác cán bộ, mà Hội đồng Lý luận Trung ương đã tư vấn Trung ương, bao gồm: 1. Thực hiện thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý. Mở rộng hình thức thi tuyển cán bộ, công chức. 2. Xây dựng tiêu chí, hoàn thiện quy trình, mở rộng diện và đối tượng tham gia đánh giá cán bộ, bảo đảm dân chủ, thật sự khoa học, công khai, minh bạch; lấy hiệu quả, chất lượng công việc làm tiêu chí chính. 3. Đổi mới phương thức, quy trình đề bạt cán bộ, kết hợp quy hoạch cán bộ với mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thực hiện công khai, minh bạch tài sản của cán bộ trước khi quyết định đề bạt. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác bầu cử trong Đảng và hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm giới thiệu của người đứng đầu; bảo đảm số dư các ứng viên ở tất cả các chức danh ở các cấp, các ngành và thực hiện quy định các ứng viên phải trình bày chương trình công tác. Nghiên cứu đổi mới quy trình bầu cử, đề bạt cán bộ theo hướng “dân bầu trước, Đảng quyết định phân công, bổ nhiệm sau”.
Cùng với đó, nên thực hiện việc định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm thay cho việc lấy phiếu tín nhiệm đã làm trong nhiệm kỳ Đại hội XI. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế cán bộ, cho từ chức cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, có tín nhiệm thấp; có khuyết điểm, vi phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, không chờ đến cuối nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Về trước mắt, cần tiến hành rà soát lại cán bộ lãnh đạo các cấp. Tập trung giải quyết những trường hợp mà dư luận có nhiều ý kiến. Kiên quyết xử lý kỷ luật đúng tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đối với các vụ việc tiêu cực đã phát hiện trong thời gian gần đây. Cũng nên mở một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng; tập trung giải quyết những bức xúc trong Đảng, trong dân.

PV: Xin cảm ơn đồng chí! 
Theo qdnd.vn
 
Thời sự
Tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong tháng hành động vì hợp tác xã (02/05/2024)
Sáng 25-4, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến tỉnh Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh tham dự hội nghị.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Đường dây nóng

Chuyendoiso

ISO

ND552019ndcp

hiepdinhCPTPP

rcep

EVFTA

thủ tục HC
An error has occurred. Error: Thời tiết is currently unavailable.